Trang

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

CÁC LINH MỤC CHÁNH SỞ

CÁC LINH MỤC CHÁNH SỞ
1. Cha Điền  (1825-1840)
2. Cha Gioan Thiềng  (1840-1846)
5. Cha Phêrô Tuyết (1854-1860)
9. Cha Thịnh (RP Thinselin)  (1871-1877)
10. Cha Hamm (1877)
11. Cha Báu (RP Leprince)  (1877-1891)
12. Cha Lân (RP Bourgeois)  (1891-1901)
13.Cha Ba (RP Bar)  (1901-1911)
14. Cha Lộ  (1911-1927)
15. Cha Thông  (1928)
16. Cha Thơm  (1928-1929)
17. Cha Thiên  (1929-1939)
18. Cha Tứ (1939)
19. Cha Duông  (1940-1948)
20. Cha Nhạn  (1949)
21. Cha Thanh (1949-?)


Cha Điền  (1825-1840)
Trong số các linh mục đến Bãi Xan giúp họ thì có cha Ðiền là người đầu tiên có cất nhà ở lâu. Có người nói cha Điền thuộc Dòng Phanxixô, song không chắc lắm, lại cũng không ai nhớ người đến Bãi Xan khi nào, mà chắc một đìều là cha Ðiền đến Bãi Xan trước cơn bắt đạo dữ dằn thời vua Minh Mạng, năm 1832 vì trước cơn bắt đạo, tại Bãi Xan đã có một nhà thờ do cha Điền cất rồi. Tới lúc bắt đạo phải phá đi, đó là vào năm 1833. Nhà thờ nầy lợp lá, cất theo lối cao cẳng giống nhà người Thổ, cất chỗ bên hông khu nhà bếp của các cha bây giờ. Các bổn đạo lớn nhỏ đã chung lo cất nhà thờ ấy tùy phận sự mỗi người. Còn muốn cho ghe dể lui tới và nhứt là cho có nước uống thấu đến nhà cha, thì họ đào thêm rạch Giồng Tượng vô thấu con giồng chừng 400 thước nữa. Dân chúng thì bỏ công còn những người có của dư dã như ông Ðiểu, ông hương Nhu, ông Trùm Tường thì nuôi ăn cho bọn làm đất.
Lo việc thờ phượng Chúa vừa yên trong họ, kế có chiếu chỉ bắt đạo, nhằm mồng 6 tháng giêng 1833, rồi có lính huyện Vũng Liêm sai đến triệt hạ Thánh đường Bãi Xan. Ðến khi lính phá xong đi mất thì bổn đạo lật đật chôn cột nhà thờ dưới ao kế bên, có ý để sau cất nhà thờ lại, song sau 30 năm bắt đạo, lúc cha Hiển vào đến Bãi Xan, thì bổn đạo dở cột đem lên, mà cây mục hết, chẳng còn dùng được việc gì nữa.
Năm 1830, cố Du (R. P. Marchand (3)) có đến thăm họ Bãi Xan và ở chơi ít ngày với cha Điền. Đến năm 1834, trong khi xảy ra cơn bắt đạo ở Cái Nhum thì cố Du có ẩn trốn ở Bãi Xan một thời gian. Rồi người lần đi xuống miệt Giồng Rùm, Thâu Râu, Rạch Rập.
Còn cha Phanxicô Xavie Thán, trước đã bị đày ở Long Xuyên, cũng có tới ở Bãi Xan với cha Ðiền một ít lâu, vì có lãnh đến cầm đầu rửa tội cho ông Hương sư Tám sanh năm 1834.
Vốn cha Ðiền trước khi đến Bãi Xan thì người làm việc trong họ Ðất Ðỏ, ngày nọ người qua Lái Thiêu viếng Ðức Cha ở đó thì người gặp hai người học Latinh, mà thầy Hạp một mình ở tại Búng giúp cha Giáo. Ðức cha (Monseigneur Taberd) muốn thử hai người coi tánh ý thể nào, thì giao cả hai cho cha Ðiền mà đem về Bãi Xan. Lúc ấy thầy Hạp đã được 30 tuổi và đã chịu đến chức 4 rồi, còn người kia tên Châu, 20 tuổi, quê ở Ðất Ðỏ và chưa có chịu chức nào.
Khi cả hai vào đến Bãi Xan thì thầy Hạp làm thầy dạy con nít, còn chú Châu lo việc làm từ, kêu là từ Chua. Song, hai người học trò Latinh nầy không theo hết con đường Chúa gọi mà ra làm bổn đạo thường. Cả hai đều cưới vợ ở Bãi Xan và lập nên gia thất đông đắn. Từ Chua có một con gái đi tu nhà phước Cái Mơn. Và hai người Latinh nầy hằng ngày ở trung tín với cha Ðiền lắm và lo lắng mọi việc cho cha đến khi người qua đời năm 1840.
Vậy cha Ðiền đã ở Bãi Xan gần 15 năm trọn, đến cơn bắt đạo phá rối, cha ở trong nhà không yên nên vào trong nhà các chức (những ông biện) mà trốn ẩn, như nhà ông Hương Nhu và ông Trùm Tường con ông cả Ðẩu.
Vì Cha Điền rất được Lê Văn Khôi tín nhiệm nên thỉnh thoảng có liên lạc với người để xin ý kiến nên khi Ngụy Khôi thất trận triều đình mới nghi cho bổn đạo theo phe Ngụy Khôi nên có một số bổn đạo vì lo sợ phải bỏ Bãi Xan trốn đi ở chung với kẻ ngoại hoặc sang làng khác mà lẩn tránh.
Lúc ấy cha phải cử hành thánh lễ trong nhà riêng của bổn đạo, ngoài đường thì cho người canh gác cẩn thận để nếu có dấu hiệu khả nghi thì lật đật góp đồ thờ vô trong rương đem dấu liền xuống đất. Năm 1840, cha Điền qua đời tại Bãi Xan. Xác được chôn nơi đất thánh của họ đạo.
Đến năm 1887, Cha sở Báu (R. P. Leprince) muốn lấy cốt Cha Điền đem vào trong nhà thờ nhưng khi đào lên thì chỉ tìm được có ảnh chuộc tội mà Cha Điền mang khi chết nên Cha Báu cho lệnh gom hết những di vật của Cha Điền và của Cha Hiển lại chôn chung với hài cốt của cố Chính Hoà (R. P. Borelle) trong nhà thờ, lúc bây giờ ở gần mé sông Cái. Sau được cải táng một lần nữa về chôn trong nghĩa địa Bãi Xan hiện tại.

Cha Gioan Thiềng  (1840-1846)
Cha Thiềng đến trông coi họ Bãi Xan từ năm 1840 đến năm 1846. Trước khi đến Bãi Xan thì người ở Cái Nhum lo coi một nhà in nhỏ. Tại Bãi Xan, cha thường ngày ở ẩn tại nhà ông Trùm Tường là hương cả trong làng. Khi có ai đến rước cha đi ban phép cho kẻ liệt thì người hay mặc áo dân, trên vai thì vác cái cần câu mà đi. Đến những nơi có ao vũng thì người giả bộ ngừng lại câu cá để che mắt người qua lại. Khi rảnh rổi Cha hay làm việc lặc vặt ngoài vườn. Mỗi tuần cha chỉ làm lễ một lần vào ngày Chúa nhật mà thôi.
Khi quân Pháp chiếm toàn cỏi Nam kỳ thì cha bị các quan Nam bắt và bị lên án tử hình tại Mỹ Tho nhưng sau, vì cha là người già cả nên án được đổi là tù chung thân và bị đày ở Bà Rịa. Người chết năm 1861 sau nhiều năm mang gong cùm cực khồ.

Cha Lôrensô Lân:
Cha Lân đến Bãi Xan từ Mặc Bắc lúc đầu đời vua Thiệu Trị. Thấy việc bắt đạo có hơi lơ là nên người rất hăng say trong việc mang kẻ ngoại trở lại đạo. Tuy nhiên, chẳng bao lâu thì lệnh cấm đạo được ban hành lại và còn dữ dằn hơn lúc trước nữa.
Giúp cha Lân có thầy Hiển là người đã chịu chức thánh rồi và ông Trùm Tường. Ông Trùm Tường chẳng những nuôi cha Lân mà còn là một ông Trùm hết sức sốt sắng nữa. Mỗi đêm ông hay đi thăm từng gia đình để xem họ đã  đọc kinh chung chưa. Ông cũng là người ngăn không cho người ngoại đến cư ngụ tại Bãi Xan, sợ gây khó khăn cho các bổn đạo. Ông đã dâng cúng khá nhiều ruộng đất của mình cho nhà thờ để gây huê lợi lo việc thờ phượng Chúa. Ông qua đời vào năm 1854.
Trong thời kỳ cấm đạo của vua Thiệu Trị, Đức Cha Dominicô (Mgr Lefèvre) phải trốn ẩn trong các tỉnh trên thì người để cố Chính Hoà (Cha Borelle) lo việc coi sóc các cha trong các tỉnh dưới. Cha Borelle ở Cái Nhum lo việc dạy dỗ các trẻ em để gởi về học trường Latinh bên Lào. Còn cha Minh thì có nhiệm vụ đi ban phép Thêm Sức các nơi. Khi đến Bãi Xan năm 1850, thì Cha Minh ở trong nhà ông Câu Tỵ hay nhà thầy Thanh ở rẩy trên. Cha Minh ở Bãi Xan được khoảng 3 năm. Trong thời kỳ nầy, dưới sự coi sóc của Ông Cả Huyên, bổn đạo có xây một nhà thờ nhỏ lợp lá gần nhà bà Xuyên. Vì muốn che mắt thiên hạ nên bà có để tầm ở đó nhưng thật sự là nơi mà Cha Minh thường làm lễ Misa. Giúp lễ cho cha Minh có trò Bình, là học trò của cha Minh sau đi tu làm linh mục. Cha Minh hay đi đánh chim cu để giải trí khi rảnh rổi. Năm 1952, Cha Minh được bề trên đổi xuống Mặc Bắc thay cha Lựu và bị quan bắt tại nhà ông Trùm Lựu trong họ đạo nầy.

Cha Phêrô Tuyết (1854-1860)
Năm 1854, khi Cha Minh bị bắt tại nhà Ông Trùm Lựu thì giới chức trong họ ai cũng đều lo sợ cho chính mình. Ai cũng biết là hể giấu ẩn các cha thì chỉ có liều mình chết mà thôi nên các cha phải đổi nhà luôn để tránh gây họa cho một người. Trong thời gian nầy, có bà Tô Thị Thọ dâng nhà thờ 20 mẫu đất của người em là ông cai Thôn Lý, chết không con cái còn bà vợ là bà Nguyễn thị Sử thì có chồng khác. Năm 1855, bà con của bà Mỹ dâng thêm cho thánh đường 2 mẫu ruộng và một chỗ giồng làm đất thánh họ đạo hiện nay (đất của Bà Đài).
Đến tháng 7 năm 1860, là lúc bắt đạo đáng sợ nhất, đang lúc cố Chính Hoà (cha Chính Borelle) cấm phòng cho các cha bản xứ là cha Tuyết, cha Nhơn, cha Hiển trong nhà ông Mùa bà Kẹo thì thình lình cố Chính Hoà lâm trọng bệnh. Sau ít ngày, sau khi chịu các bí tích sau hết thì người trút hơi thở cuối cùng tại nhà nầy. Để tránh kẻ ngoại dòm ngó, mọi sự tẩm liệm được thực hiện ban đêm. Chẳng may, chiếc hòm mua lại quá ngắn nên thầy Thoại phải lựa trong nhà một bộ ván tốt bằng gỗ để đóng một cái hòm mới mà chôn xác cố Borelle. Chôn xác cũng chôn ban đêm trong vườn hai ông bà nầy và để tránh sự tò mò, ông bà trồng trên mã một đám rau râm và một lãng gừng cho khuất. Năm 1887, Cha sở Báu (R.P. Leprince) lấy hài cốt cố chính Hoà đem về trong nhà thờ. Còn về cây gậy vàng trong mấy di vật của cố Borelle thì bị trộm lấy mất.

Cha Phanxicô Nhơn
(cũng gọi là Cha Hương) - 1860:
Trong năm 1860 nầy có nhiều hương chức lớn trong họ bị bỏ tù ở Vĩnh Long như: Ông cả Quế, Ông Trùm Văn, Ông Thôn Ngởi, Ông Biện Tựu. Những ông chức khác như: ông Câu Tứ, ông Phó Thuần, ông Hoà Sương thì bị giam trong nhà Cả Lập ở Đức Mỹ. Ông nội cha Phú, ông Cả Sĩ, ông trùm Hiệp với hào Củ thì bị giam tại nhà cai Đỏ, Láng Thé.
Lúc quân Pháp chiếm Vĩnh Long thì Cha Nhơn, người gốc Cái Mơn được bề trên cử đến coi sóc họ Bãi Xan. Đang lúc khốn khó, Cha phải cố gắng hết sức khuyên bổn đạo để họ đừng bỏ họ đạo mà đi. Cha có tập lính đặng giữ họ. Trong nhà có lính tráng đội quản như một quan lớn vậy. Lúc nầy ở Ba-si, Ba-se, sóc Ruộng, sóc Hồng Rai cũng tới xin gia nhập vì họ bị cựu trào hà hiếp, cướp của đánh người. Ở Ba-si có ông Tổng Chang và con là Chủ Lữ, ông Chủ Giồng và nhiều người đem gia quyến, trâu bò, heo cuối, lúa thóc ra ở Bãi-Xan. Ở Ba-se có ông nội hội đồng Tôn cũng đem nhiều gia đình theo và mấy người có của. Sóc ruộng thì ông nội Phó Khiêm và nhiều gia thất ở Sóc Ruộng và sóc Hồng Rai cũng theo lên ở Bãi-Xan nên Cha Nhơn có tập lính Thổ, Annam chừng 3, 4 trăm. Cha đi đâu cũng trống chiêng rần rộ khiến ông Thượng ở Gành Mù U nghe được dọa đem 4, 5 ngàn quân sang vây bắt tất cả. Nghe vậy, Cha xin Quan Tây ở Vĩnh Long đem tàu xuống rước Ngài cùng số đông bổn đạo về Vĩnh Long. Quan Thượng được tin Cha đi rồi thì nhạo rằng: "Lãnh binh thất thủ thôi ta đánh làm chi đàn bà con nít. Cách ít lâu, thời thế trở lại yên ổn nên Cha bề trên An (RP Guilleu) khuyên bổn đạo Bãi Xan trở về lại trong họ. Trong số 1000 bổn đạo thì có khoảng 700 người bị đày trở về. Ban đầu, họ cất được một nhà thờ gần chỗ ông Phú ở. Sau nhờ có cha Hiển và ông Trùm Văn cố gắng hết lòng nên bổn đạo cất được một nhà thờ khác, rộng rải hơn gần mã vôi hiện giờ.

Cha Martin Hiển:
Cha Hiển người gốc Cái Nhum. Truớc khi đến giúp họ Bãi Xan thì người đã giúp họ Bà Rịa một thời gian. Cha Hiển là người đã có công lo lắng việc cất nhà thờ ở mã vôi và người cũng cho cất thêm một nhà nguyện nhỏ gần chỗ ống cống nhà thờ bây giờ để thờ kính Đức Mẹ. Chỗ nầy cũng là chỗ mà Cha Điền cất nhà thờ đầu tiên cho họ đạo, cũng là chỗ cùng của rạch Giồng Tượng. Nơi nhà nguyện Đức Mẹ nầy, hằng ngày cha Hiển lo việc dạy sách phần và giáo lý cho trẻ nhỏ để chuẩn bị rước lễ Bao Đồng cũng như cho người lớn để rửa tội chầu nhưng cho những người ngoại trở lại đạo. Cha Hiển cũng rất giỏi về nhạc lý nên người cũng đã lập được một ban hát khá nổi tiếng đến nổi có nhiều người ở những nơi khác đến xin được tập hát với người.
Cha cũng có cho một số đồng nhi nữ đi tu nhà phước Cái Mơn. Riêng có một chị tên là Cai Thị Ngợi, đi tu nhà kính (nhà phước Tây) tại Sàigòn là người đã tạo nên tiếng thơm cho Bãi Xan. Bà Ngợi là người nhờ ơn Chúa sáng soi có thể biết được chuyện hậu lai của mình. Trước khi chết, người cho biết sẽ có một bà phước nhà kính ở Pháp qua thế bà. Mà đúng vậy, sau khi người qua đời, bà Nhứt đương kim nhà Kính ở Pháp lúc đó liền xin đổi qua Sàigòn.
Cha Hiển đã coi sóc họ Bãi Xan nhiều năm trước lúc quân Pháp lấy Nam Kỳ cũng như sau đó. Thời gian sau nầy, người yếu sức đi vì mắc phải bệnh lao. Một lần đi Cái Nhum thăm bà con anh em, đến khi trở về thì người chết trên ghe khi đến gần cù lao Dài. Lúc đó có cha Cordier đến thăm Bãi Xan nên người làm lễ an táng cha Hiển trong nhà thờ Đức Mẹ. 20 năm sau, Cha Sở Báu lấy cốt cha Hiển đem về chôn trong nhà thờ mới.
Khi cha Hiển qua đời thì có cố Gioan (RP Miche: sau làm Giám Mục), cố Long (RP Bouilleveaux) và cố Hưỡn (RP Fontaine) thăm họ Bãi Xan.

Cha A. Claude Péguet  (1865-1871)
Sau khi cha Hiển mất thì có cha Péguet đến Bãi Xan coi họ. Trước khi về Bãi Xan, Cha Péguet đã coi sóc họ ở Ba Giồng được 3 năm. Người về Bãi Xan có mang theo một học trò tên là Thích, sau được cha gửi về học trường Latinh (Chủng Viện) ở Sàigòn. Cha Péguet ở trong phòng đồ lễ, cũng là chỗ ở của Cha Hiển khi xưa. Nhờ có cha Đôminicô Vọng giúp nên người cũng coi sóc luôn họ Mai Phốp, Bưng Trường, Vũng Liêm, Rạch Dầu, Tân Viên và Cam Son nữa. Cha Péguet cũng có gửi nhiều trò đi học trường Latinh song chỉ có 3 người lên tới chức linh mục là Cha Thích, Cha Đường và Cha Quờn.
Cha Péguet cũng là người có công lập nên một trường học cho Bãi Xan rồi đem thầy Thái, là người công giáo ở miền ngoài vào để dạy học trò nam. Người cũng lập thêm một trường nữ do 2 dì phước cựu là chị Ngọc và chị Kế dạy. Về việc dạy chầu nhưng (người lớn muốn học để trở lại đạo) thì có thầy Latinh Thạch, là cháu ông trùm Lựu, với anh Rồng và anh Vựa, cũng là học trò Latinh dạy.
Năm 1867, lúc ấy Pháp đã lấy xong tỉnh Vĩnh Long, cha Péguet mới tính tới việc lập một nhà thờ lớn hơn cho xứng với số bổn đạo hiện thời là 1.200 người.
Cha mới chọn một chỗ gần mé sông Cái, ngay đầu vàm rạch Giồng Tượng trên miếng đất mà ông Cả Củ đã dâng cho họ đạo lúc trước. Gổ thì mua từ Thủ Dầu Một, còn vôi gạch thì mua tại Mỹ Tho. Với sự phụ giúp của cha Errard, người  cho bắt đầu xây nhà thờ nầy từ năm 1867 đến năm 1869 mới hoàn tất với phí tổn là 3.000 đồng, một số tiền quá lớn thời bấy giờ, có được là do nhờ ơn Chúa và sự hy sinh cố gắng hết lòng của bổn đạo trong họ.
Cha Péguet là một linh mục hiền lành rất được lòng bổn đạo. Đến tháng 7 năm1871, cha bị bệnh nặng nên được cha bề Trên đổi về Thủ Thiêm và gửi cha Thịnh, đang ở Thủ Thiêm về coi họ Bãi Xan.

Cha Thịnh
(RP Thinselin)  (1871-1877)
Cha Thịnh là một cha mới, vừa được gửi đến địa phận được 2 năm thì đổi về Bãi Xan. Ngay năm đầu khi đến coi họ Bãi Xan liền gặp gian nguy. Số là vào ngày 6 tháng 12 năm 1871, một cơn trốt mạnh cuốn sập nhà thờ mới cất. Qua năm sau, (1872) vào ngày 24 tháng 10, một trận bảo thổi sập nhà cha sở.  Vì vậy nên những người lớn tuổi mới đặt tên 2 trận bão ấy là bão thánh Nicolas và trận thứ hai là bão thánh Raphael. Cha Thịnh lại phải lo cất nhà thờ và nhà cha sở lại. Cha Thịnh cũng có cho nhiều học trò đi học trường Latinh nhưng chỉ có cha Phú là người được phong chức linh mục. Thời nầy có 2 dì thuộc nhà phước Cái Mơn dạy tại Bãi Xan là dì Xưng và dì Triều (dì Triều sau làm bà Nhứt nhà phước).
Đến năm 1877, quan Đô thống Thủy sư Dupérié xin Đức Cha Colombert cho 1 linh mục Pháp giúp nhà thương quân đội tại Sàigòn thì Đức Cha mới vời cha Thịnh về đó.

Cha Hamm (1877)
Cha Hamm đến làm cha sở tạm họ Bãi Xan từ tháng 5 đến tháng 10 năm 1877 trong khi đợi cha Báu (RP Leprince) đang dưỡng bịnh ở Hồng Kông về.

Cha Báu
(RP Leprince)  (1877-1891)
Cha Báu là người rất thích đọc sách và ngưởng mộ cảnh thiên nhiên. Một con chim bay ngang cũng làm người để tâm suy nghĩ. Cha ở một căn nhà sàng gần như mục nát. Người cho cất thêm một căn gát nhỏ bên trên để dễ bề yên lặng mà đọc sách. Cha cũng ra công khuyên giải bổn đạo đủ điều nhưng chứng nào vẫn tật nấy, Bổn đạo ít hay xưng tội rước lễ, quên việc kinh sách, không cần tới cha linh hồn giúp đỡ nữa. Do đó, hay có những chuyện kiện tụng đất đai xảy ra, rồi thì phe đảng đủ điều.
Biết rằng Bãi Xan cần phải có một linh mục cứng cỏi đến coi sóc mới khuyến dụ được bổn đạo nên năm 1891, cha xin đổi và cha Lân (RP Bourgeois) đến thay.

Cha Lân
(RP Bourgeois)  (1891-1901)
Khi đức Cha Mỹ (Colombert) nhận thấy những họ đạo hiện thời đã dược hưng thịnh thì ngài ra chỉ dụ khuyến khích các cha sở hãy lo việc mở mang Giáo Hội bằng cách khuếch trương họ đạo mình hay lập nên những họ đạo mới. Do đó, cha Lân  mặc dù kẻ ngoại xung quanh khu Bãi Xan hay kiếm chuyện gây khó khăn song người cũng lập thêm được những họ mới như sau:
          Họ Long Hòa: Làng Long Hòa ở gần mé rạch Láng Thé, có một ít nhà có đạo về rải rác ở đây. Thấy vậy, cha liền mua 1 miếng đất nhỏ và cất lên một nhà thờ lợp lá. Song, bi những người ngoại ghét nên họ đốt mất. Cha liền cất cái khác. Sau nhờ có Biện Thính chí tình giúp đỡ nên cha có gom thêm được vài nhà có đạo về ở thêm lại có vài gia đình bên lương trở lại đạo nữa. Trong số nầy có gia đình Ông Văn công Nhưng xin theo đạo. Trong khoảng 2 năm, cha đã rửa tội cho được 20 chầu nhưng trong họ nầy.
          Họ Long Thuận: Làng nầy ở trong ngọn nhánh của rạch Láng Thé. Trong số gia đình trở lại đạo đáng kể nhất là gia đình ông Tham Sung. Ông nầy đã bán rẽ cho cha Nghi (RP Martin) một miếng đất ruộng 30 mẫu đặng lập họ. Sau cha dưng cho địa phận làm của nuôi học trò trường Latinh.
          Họ Đức Mỹ: Ở phía tây làng Đức Mỹ có một miếng ruộng chưa ai khai phá nên cha Lân vì thấy bổn đạo thiếu đất mần ăn nên xin Biện Tây cho khai khẩn. Nhưng rủi thay, Biện Tây bị kẻ ngoại gây gổ kiện tụng. Bi thua, lại thêm thất mùa nên dần dần bổn đạo bỏ hết. Mặc dù vậy, nhà thờ vẩn còn với lại cũng còn lại một ít chầu nhưng nên họ đạo Đức Mỹ cũng tồn tại.
          Họ Đức Hòa: Làng nầy là làng ngoại, ở phía trong rạch Cái Hóp phía nam chợ Vũng Liêm. Nguyên có một người ngoại có tiếng tăm trong làng tên là Thiệt xin theo đạo để được Cha Lân che chở. Kết quả là họ Đức Hòa được thành lập và sau nầy là một họ nhánh sung túc nhất trong số những họ nhỏ thuộc sở Bãi Xan.
          Họ Càng Long: Chỗ nầy là một miếng đất giồng rộng mênh mông và dân số cũng đông đúc lắm. Cha Lân đã cố găng hết sức và có xin quan Quận giúp đỡ, song cũng không thể nào làm cho đạo giáo mọc rể nơi Càng Long nầy được. Sau cha phải dùng tiền của cha Nghi để lại mà mua 62 mẫu ruộng và cấp cho những ai theo đạo làm ăn thì họ đạo mới bắt đầu phát triển từ đây. Sau, những mẫu ruộng nầy cũng được nhượng lại để lo việc nuôi học trò trường Latinh.
Trong số những thầy trường Latinh cha Lân xin đến dạy các họ nhỏ Bãi Xan lúc mới lập thì có: thầy Đặng, thầy Ngọc, thầy My, thầy Đa, thầy Hào, thầy Xứ, thầy Cơ và thầy Quí.
Cha Lân đến Bãi Xan với quyết tâm dẹp bỏ việc bổn đạo bê tha rượu chè, cờ bạc, thưa kiện và một năm sau, cha đã thành công. Về việc tu sửa nhà thờ thì người nhận thấy nhà thờ hiện tại quá nhỏ, sắp hư, lại ở gần mé sông Cái, trước sau gì cũng bị sạt lở. Nhà cha Sở thì đã hư mục nhiều, không ở được nữa nên người chuẩn bị việc dời nhà thờ vô trong giồng, chỗ đất mà ông Cả Tường dâng, đó cũng là chỗ mà trước cơn bắt đạo, đã cất cái nhà thờ đầu tiên năm 1830. Họ đạo không đủ tiền nên cha xin phép Đức Cha cho bán ít đất ruộng của nhà chung để gây quỷ, Đức Cha đồng ý nhưng chỉ được bán  cho bổn đạo mà thôi. Cha bán được 1500 đồng đất ở rẩy dưới và 1600 đồng đất ở rẩy trên. Lúa ruộng cũng được tăng lên mỗi năm đóng 1 công 4 giạ lúa. Tạm thời, cha cho cất một nhà thờ tạm ở giồng Nhỏ, ngay trên miếng đất ông bà cha Phaolô Nghi đã dưng. Cha đốn dừa làm cột. Nhà thờ tạm gồm 8 căn 1 chái ngay núi chỗ núi Calvaire bây giờ, mặt hướng sang núi Đức Mẹ. Cha lên Vĩnh Long xin cái thành cũ ở Mai Phốp để lấy gạch.
Cha Lân cho khởi công xây nhà thờ mới vào năm 1893. Cha là người khéo tính toán nên không đầy 3 năm sau, năm 1896, nhà thờ được hoàn tất với phí tổn là 10 ngàn đồng. Nhà thờ nầy được cất đa số bằng cây thau lau, mối mọt không ăn được nên rất bền. Trong lễ làm phép nhà thờ có Đức Cha Để (Mgr. Dépierre) chủ tế và chọn tên “Thánh Thất Hội” (Nhà Thờ Thánh Gia Thất). Thợ vẽ ba chữ Thánh Thất Hội là ông Nguyễn Hữu Hào (ông chủ Hào là cha của bà Nam Phương Hoàng Hậu, vợ vua Bảo Đại). Đến năm 1899, Cha mua thêm 3 cái chuông treo lên tháp nhà thờ làm cho họ đạo được thêm rở ràng. Khi cất xong nhà thờ, cha liền lấy số gổ dư mang về từ nhà thờ cũ, cất thêm một căn nhà cha sở rộng rải, khang trang, tốn hết 3.000 đồng. Nhà cha sở có 2 tầng, dưới xây bằng gạch, trên lầu làm bằng cây. (Nền nhà lầu hiện tại là nền nhà lầu cũ khi xưa). Cha cũng dùng cây từ vựa lúa cũ mà cất lên một căn nhà cho các dì Phước Cái Mơn ở mà dạy học trò trong họ. Cha cũng lo tu bổ ruộng vườn của nhà thờ, cho bổn đạo làm ruộng nhà chung rồi thu lúa ruộng hằng năm. Người cho đắp bờ cho cao ráo để giúp bổn đạo đi lại dễ dàng. Cha cũng xin phép quan để đắp con đường từ Sóc Ruộng qua Ba Trường, ngả ba Trà Gật, lên Rạch Dừa rồi về đến trước cửa nhà thờ. Người cũng xin quan cho bắt cầu sắt ngã Ba Trường, cầu Trà Dư. Bổn đạo thơ thới làm đủ ăn đủ mặc.
Giúp đỡ cha Lân lúc bấy giờ có Ông Trùm Phạm Cử Nho và Ông Trùm Nảo. Ông trùm Nho mặc dù còn nhỏ tuổi nhưng làm đến chức hương Cả trong làng và làm trùm Nhứt trong họ. Riêng Ông Trùm Não là người đã giúp cha Lân rất đắt lực. Cha Lân lo việc bày biến, sắp đặc, chỉ vẻ. Ông Trùm Não thì lo thực hành cho thành công mọi việc. Ông cũng hay đi thăm hỏi, an ủi bổn đạo, khuyến khích họ nên sốt sắng trong việc thờ phượng Chúa. Trong 10 năm cha Lân giúp họ Bãi Xan, người có gửi trẻ đi học trường Latinh rất nhiều còn nhi nữ thì người cho đi tu nhà phước.
Đang hăng say lo lắng việc trong họ đạo thì vào năm 1901, chừng 10 giờ tối, cha đang ngồi kề cây cột nhà lầu gần tủ sắt để đọc kinh thì trời mưa lớn, sét đánh từ cây thánh giá trên nhà lầu chạy xuống cây cột cha đang dựa làm cây cột bể nát. Cha bị bất tỉnh. Sau đó cha được đưa về Pháp chữa bệnh.
Các cha phó giúp cha sở Lân là cha Lợi, cha Rồng và cha Khánh. Cha Lợi và cha Rồng là 2 người đã chỉ vẻ cho thợ Vây làm toà giảng và cầu lơn rước lễ lúc bây giò. Cha Ròng có trồng một số những cây sao chung quanh khu nhà thờ. Cha Khánh thì lo việc tập nhạc, thu lúa ruộng và làm đập ở Càng Long và Đức Hòa.

Cha Ba (RP Bar)
  (1901-1911)
Sau khi cha Lân đi chữa bệnh bên Pháp thì cha Ba được cử đến làm sở họ đạo Bãi Xan.
Cha có 2 con ngựa dùng để đi đây đó và lo cho kẻ liệt. Cha có tánh rất nóng nảy. Để chấm dứt việc cờ bạc, ban đêm cha giả dân đánh bạc đi lùng khắp nơi, ghi tên người đánh bạc rồi sai người đi báo cho làng bắt mang tới nhà lầu đánh đòn 40 roi cho tội đánh bạc.
Lúc nầy có cha Hương ở nghỉ tại Bãi Xan ít lâu. Khi trở về địa phận người tường trình cùng Đức Cha về tính nóng nảy quá độ của Cha Ba nên vào năm 1911, Đức Cha cho cha Ba về Pháp và cho cha Lộ về thay thế. Cha Lộ đang ở Hồi Xuân về Trà Vinh rồi cởi ngựa về Bãi Xan. Đến nơi, chuông vang inh ỏi mừng cha Lộ đến lãnh sở. Cha Ba đang trị 4 người cờ bạc, liền đánh mỗi người 40 roi, rồi liệng cây roi trước mặt cha Lộ, xong lên ngựa mà đi liền không nói một tiếng.
Cha Ba coi sóc họ Bãi Xan được 11 năm. Trong họ trở nên trù phú nhờ sự chăm sóc tận tình của cha. Lúa ruộng được tăng lên mỗi năm 5 giạ, nhưng bổn đạo ai cũng vui mừng vì hay được trúng mùa. Cha Ba cũng cho cất thêm trường Nam và làm thêm nhà cho các Dì ở để dạy học.
Làm phó cha Ba có cha Thông và phó nhì là cha Sion. Cha Thông qua Nhị Long mở rừng Giông, đắp nền nhà thờ, đắp đập, mở mang họ Nhị Long rất nhiều. Đến năm 1907, khi ông Trùm Nho qua đời thì cha Ba đặt ông trùm Gioang là em ruột cha Cường lên làm trùm nhứt trong họ.

Cha Lộ  (1911-1927)
Cha Lộ đến Bãi Xan vào năm 1911. Cha hay đi các họ nhỏ, để Bãi Xan lại cho các cha phó coi. Cha Lộ rất hiền lành. Gặp người nghèo khó thi hay an ủi, giúp đỡ tiền bạc, mua ruộng đất giúp họ làm ăn. Những người ngoại đạo cũng rất mến Cha. Cha mua đất ở Cái Hô xây nhà thờ bằng ngói. Cha xây nhà thờ Nhị Long cũng bằng ngói. Cha cất dựa lúa ở Đức Hoà. Cha mua đất ở Rạch Rô, sửa bờ sửa đập và mua thêm đất cho bổn đạo làm. Cha lập họ Càng Long, cất trường học rồi rước dì phước Cái Mơn về dạy. Có dì Bảy Vui là dì phước đầu tiên dạy ở đây. Cha cho cất nhà mồ côi và nuôi được 16 trẻ mồ côi nam. Cha sắm đồ mộc cho mồ côi làm và sắm nông cụ để họ làm ruộng. Đứa nào lớn thì cha lo việc lập gia đình cho rồi giúp đỡ cho ra riêng làm ăn.
Năm 1921, cha Chánh làm phó, có xuất tiền lập một ban nhạc chuẩn bị mừng lễ Bạc cha Lộ. Trong thời nầy có xảy ra hỏa hoạn làm nhà thờ bị cháy phòng thánh tới tận nóc nhà.
Năm 1924, cha Giàu làm phó. Năm 1925 cha Linh làm phó 2 năm. Sau đó, có cha Xuân nhậm sở Đức Hoà một năm rưởi rồi đổi nên cha Linh coi thế Đức Hoà và coi luôn các họ Cá Hô, Đức Nhuận, Nhị Long và Càng Long. Cha Linh có xây nhà thờ Càng Long nhờ số tiền 10.000 đồng dưng cúng của ông phán Tri ở Trà Vinh. Nhà thờ nầy được cha sở Thiên làm phép.
Năm 1926, cha Hiền thế cha Linh coi Đức Hoà. Cha Lộ và các cha phó cùng nhau lo mở mang các họ của Bãi Xan. Đến khi cha Lộ đổi, thì tổng số ruộng đã mua được một trăm mấy chục mẫu. Số lúa ruộng thu được hàng năm trên ba chục ngàn giạ. Bổn đạo thì mọi gia đình đều no đủ hồn xác. Đó là nhờ công khó của các Cha vậy.

Cha Thông  (1928)
Năm 1927, cha Thông nhận họ. Cha có cất trường họ Nhị Long bằng ngói. Tính hay lo lắng nên cha hay bệnh hoạn. Sau đó cha xin về họ Rạch Lọp.
Cha Thơm  (1928-1929)
Năm 1928, cha Thơm về làm cha sở Bãi Xan. Cha sửa đổi mọi sự trong họ. Cha cho đắp bờ từ ngã Ba Trường thẳng đến Bào Năng nhập vô bờ cha Lân đấp hồi xưa (Bờ nầy bây giờ vẫn còn dùng, gọi là lộ Bào Năng). Cha cho đóng tủ rửa tội, tủ đựng các sổ sách trong họ, lo lập chợ, bắt cầu tàu.

Năm 1929, cha Gioankim Thiên đến nhận họ. Dự trữ tiền bạc vài năm, cha cho xây lại nhà lầu đúc, tầng trên bằng xi măng đá sạn, theo nền nhà lầu củ mà cha Lân xây lúc xưa. Xong cha cho cất nhà bếp, hai đầu có hai tầng bằng ván sao. Nhờ cha Ròng trồng những cây sao xung quanh nhà thờ lúc xưa nên cha Thiên làm hai căn nhà mà khỏi phải mua cây. Xong việc ở Bãi Xan, cha ra kiểu và giao cho cha Linh lo việc cất nhà thờ Càng Long. Khi ăn khánh thành nhà thờ Càng Long, cha Thiên mướn cho bổn đạo Bãi Xan một chiếc tàu và một chiếc ca-nô đê lên Càng Long ăn khánh thành. Đoàn tàu chạy tới Càng Long lúc 12 giờ khuya. Sáng hôm sau, cha Thiên chủ tế lễ mừng khánh thành, làm phép nhà thờ rất long trọng.
Được ít lâu, có lịnh đổi cha Linh. Cha Hiền về thế coi họ Đức Hoà và các họ nhỏ. Cha Hiền có công đắp bờ ngay cửa nhà thờ Đức Hòa ngang qua Giồng Ké và làm thêm một sân banh nhỏ sau dùng làm đất thánh. Sau cha Hiền đến cha Dư rồi đến cha Hai. Lúc nầy cha cất nhà thờ Đức Hòa và một cái nhà cao cẳng lợp ngói, có phòng tiêu, phòng tắm đàng hoàn. Tới trào cha Nam thì dở cái nhà ngói đó đi. Đó là đời cha Duông coi họ Bãi Xan.
Năm 1939, sau khi lo cho các họ nhỏ, họ lớn xong thì dến lễ bạc của cha sở. Mọi người trong họ chung lại lo cất nhà tiệc, bồi bờ lộ, làm ba cái cổng chào. Sau đó, thì Bề Trên đổi cha về Cái Nhum. Còn cha Quang đang làm phó thì được cho đi du học bên Pháp. Cha Diên thay thế cho đến đời cha Duông coi họ. Năm 1940, Cha Thiên mất và thi hài được mang về an táng trọng thể trong đất thánh họ Bãi Xan.

Cha Tứ (1939)
Năm 1939, cha Tứ về nhậm sở. Cha về ít tháng thì đến lễ các Thánh Nam Nữ. Hôm đó cha phó xin phép và được cha sở đồng ý được ở lại họ nhỏ, không về ngồi toà. Có một ông Biện cản cha mà nói: “nếu cha cho phép thì một mình cha ngồi toà chết luôn đa”, Cha trả lời: “chết bỏ”. Bửa đó, một mình cha Tứ phải ngồi toà cho đến 11, 12 giờ khuya. Phần cha sẳn yếu trong người nên ngả bệnh luôn. Phải về dưỡng bệnh tại quê nhà là họ Cầu Ngang.

Cha Duông  (1940-1948)
Năm 1948, cha Duông về nhận họ. Cha già cả, mắt yếu nên giao hết việc tiền bạc sổ sách cho cha phó là cha Hồng đảm nhiệm. Cha Hồng lo mua đất ở Hương Nhượng, cất nhà thờ và rước thầy dòng Cái Nhum đến dạy. Đức Cha có tới xem và rất vừa ý. Được hai ba năm thì Nhựt đảo chánh. Sau Nhựt bị thất trận nên giao chính quyền cho Việt Nam, rồi Pháp giựt lại. Nhà thờ bị trúng bom trong Láng Thé bắn hư.
Sau đó, cha Hồng đổi. Cha Nhiệm thay thế. Lúc đó có cha Án về ở để trốn Việt Minh. Cha phụ giúp cho tới trào cha Thanh về nhậm sở.
Cha Nhạn  (1949)
Năm 1949, Cha Nhạn lãnh sở Bãi Xan nhưng chỉ có 1 năm. Cũng năm nầy, cha Thanh về Bãi xan giúp cha sở ba bốn tháng rồi làm sở thiệt thọ luôn.
Cha Thanh (1949)
Các Cha về sau nầy:
Cha Raphae Nguyễn Văn Diệp (1956-1963)
Cha Hồng
Cha Bernard Khả
Cha Simon Hoà
Cha Tôma Vẽ
Cha Nghi ( -1975)

NHỮNG NGÔI NHÀ THỜ XƯA VÀ NAY


I- Nhà thờ Cha Điền*:
Vào thời bắt đạo mạnh mẽ dưới triều vua Minh Mạng (1820-1848), tại Bãi Xan đã có một nhà thờ Công Giáo do Cha Điền (1825-1840) cất. Cha Điền đến giúp họ Bãi Xan vào năm 1825, nhưng Ngài cho dựng nhà thờ vào năm nào thì không có tài liệu nào ghi lại nhưng có ghi năm bị phá là năm 1833. Nhà thờ nầy có thể được coi là nhà thờ đầu tiên của họ đạo. Nhà thờ được cất trên khu đất “nhà vựa lúa” bây giờ (1972). (Phụ ghi: Nếu đi từ cua Út Lô xuống trước khi tới nhà thờ hiện tại (2008), khi vừa qua cống nhà thờ có con đường nhỏ bên tay phải đi vô giòng là đến khu vựa lúa thời 1972) Nhà thờ nầy cất theo lối cao cẳng mái cong như cái chùa hay nhà của nguời Miên để khó bị lộ. Cha cũng cho đào dài thêm con rạch Giòng Tượng chừng 400 thước cho tới bờ nhà thờ để tiện cho ghe lui tới và cũng để có nước vô thấu đến nhà cha.
Ngày 6 tháng 1 năm 1833 nhà thờ Bãi Xan bị phá sập do lính Huyện Vũng Liêm sai xuống. Sau khi lính phá xong thì bổn đạo mới đem chôn những cây cột xuống cái ao kế bên với hy vọng có dịp đem lên để cất nhà thờ lại. 30 năm sau, khi cơn bắt đạo đã qua, cha Hiển được Bề Trên sai phái đến Bãi Xan thì bổn đạo mang cột lên thấy hư hết nên không dùng được nữa.

II- Nhà thờ Cha Hiển:
Từ sau khi nhà thờ Cha Đìền bị phá sập năm 1833 cho đến nhiều năm sau, họ bãi Xan không có nhà thờ vì nạn bắt đạo trở nên quá gắt gao. Mặc dù vẫn có các cha người bổn xứ hay người Pháp thường xuyên đến giúp nhưng lễ Misa thường được dâng trong nhà thường dân với bổn đạo canh gát bên ngoài.
Thời cha Phanxicô Nhơn đang trong coi họ Bãi Xan (1860) thì cơn bắt đạo trở nên cực mạnh. Nhiều hương chức trong họ bị bắt và cầm tù tại địa phương hay tận Vĩnh Long. Mặc dù cha có tổ chức lính tráng đội quản đầy đủ trong nhà như một quan lớn Pháp vậy nhưng dần dần cũng yếu thế so với đông đảo quân lính của triều đình đang đóng tại Gành Mù-U (Cái Bông), cha đành khuyên bổn đạo lần dọn trốn về Vĩnh Long, núp bóng quan quân Pháp cho qua cơn hoạn nạn. Tại Vĩnh long, bổn đạo Bãi Xan cũng có dựng lên một nhà thờ tạm và có cha Bề Trên An (RP Guillou) thường xuyên làm lễ và ban các phép Bí Tích.
Cách ít lâu, cơn bắt đạo qua đi, bổn đạo Bãi Xan lần lần dọn về quê cũ. Lần hồi, họ cũng cất lại được một nhà thờ nhỏ tại chổ chú Phù ở lúc bây giờ (1972). Sau, cha Hiển mới tổ chức dựng lại một nhà thờ mới, rộng rãi hơn. Nhà thờ nầy ở gần “mả vôi” hiện tại.

III- Nhà thờ Cha Péguet:
Cha Péguet đang làm sở thì họ Bãi Xan có số bổn đạo tăng đến 1.200 người. Nhà thờ thì nhỏ nên cha mới lo việc dựng nhà thờ mới. Cha cho mua cây gổ và gạch ngói từ Thủ Dầu Một, từ Mỹ Tho về và làm lần lần vì không đủ tiền bạc nên phải đến năm 1879 mới hoàn tất một nhà thờ mới rộng rãi, tại Vàm Rạch Giòng Tượng, trên miếng đất do ông Cả Cũ dâng cho nhà thờ. Tổng cộng phí tổn là 3.000 đồng.

IV- Nhà thờ Cha Lân (RP Bourgeois):
Nhà thờ do cha Péguet cất vì quá nhỏ so với số bổn đạo càng ngày càng tăng lại vì nằm cạnh bờ sông Cái thì sớm muộn gì cũng bị sạc lở rớt xuống sông. Hơn nữa, nhà thờ nầy lợp bằng lá, rui mè đã bị hư hết một mái nên cha Lân, đang làm chánh sở, muốn dời đi nơi khác nên họp các thân hào trong họ đạo lại bàn việc. Có người đồng ý có người không. Cuối cùng, cha quyết định dời nhà thờ về lại chổ cũ thời trước cơn bắt đạo, tức là trên vị trí nhà thờ thời cha Điền khi xưa đã bị phá vào năm 1833, là đất do dòng họ ông Cả Tường dâng. Cha Lân ước tính tổn phí khoảng 10.000 đồng. Vì họ đạo không còn tiền mà tốn phí lại khá cao nên Ngài mới xin phép Đức Cha cho bán đất nhà chung lấy tiền. Đức Cha đồng ý nhưng chỉ được bán đất cho bổn đạo trong họ mà thôi. Cuối cùng cha cũng bán được cho những người giàu có trong họ đạo một số đất ở Đồng Dưới trị giá 1.500 đồng và ở Đồng Trên được 1.600 đồng. Để tăng vốn xây nhà thờ, cha cũng cho tăng lúa ruộng lên là 4 giạ (xử dụng 1 công đất ruộng của nhà chung thì phải  đóng 4 giạ lúa mỗi năm?)
Cha khởi công làm một nhà thờ tạm tại Giồng Nhỏ, ngay trên miếng đất của ông bà Cha Phalồ Nghi. Nhà thờ tạm gồm có 8 căn, 1 chái ngay núi Calvaire (Núi Sọ) hiện tại, mặt tiền thì quay về hướng núi Đức Mẹ. Cha cho dời đồ đạt các thứ từ nhà thờ cũ về. Nhờ quen thân với các quan ở Vĩnh Long Cha cũng xin được một số gạch từ cái thành cũ ở Mai-Phốp mang về. Đến năm 1893 thì Cha cho khởi công xây nhà thờ mới. Nhờ sự khôn ngoan tính toán của Cha và sự hy sinh của bổn đạo nên chỉ 3 năm sau, vào năm 1896, nhà thờ mới nầy hoàn tất, lấy Bổn Mạng là “Thánh Thất Hội”. Lễ khánh thành có Đức Cha Để (Mgr. Dépierre) đến chủ tế và làm phép nhà thờ. Nhà thờ nầy cất bằng cây thau lau, mối mọt không ăn được nên rất bền. Mái nhà lợp ngói, tường xây xi-măng và cuốn nền theo lối Tàu và cũng do người Tàu (Chệt) chỉ huy. Ba chữ Thánh Thất Hội là do ông Thầy Hào, là cha vợ của Vua Bảo Đại vẽ.  
Năm 1899, cha mua 3 cái chuông treo lên tháp nhà thờ làm rở ràng thêm cho họ đạo. Cha cho cất nhà vựa lúa gồm 6 căn tại vòng thành nhà thờ tạm. Cha cũng cho cất Nhà Cha sở. Nhà nầy có 2 tầng, tầng dưới xây bằng gạch, tầng trên làm bằng cây . Bốn cây cột lớn làm bằng cây căm-xe. Nền nhà lầu hiện nay (1972) chính là nền nhà lầu cũ đó. Cha cũng xin được các quan giúp cho “công xâu” đắp bờ từ Sóc Ruộng qua Ba Trường, qua ngã ba Trà Gật, lên Rạch Dừa rồi về tới trước cửa nhà thờ. Tức là đã qua được “bon tiêu” (điểm chính) của cả ba làng.
Nhà Cha Sở (Nhà Lầu) hiện tại là do cha Thiên (1929-1939) xây lại trên nền nhà cha sở cũ thời cha Lân. Tầng trên đúc bằng xi-măng đá sạn nên rất bền. Cha Thiên cũng cho cất thêm nhà bếp, hai đầu có 2 tầng, dùng thân cây sao do cha Ròng (cha phó thời cha Lân làm sở) trồng xung quanh khuông viên nhà thờ.

V- Nhà thờ hiện tại:
Nhà thờ hiện tại của Bãi Xan được xem là nhà thờ lớn nhất trong địa phận. Khởi đầu xây vào cuối thời Cha Raphae Diệp (1963) đến thời Cha Hồng mới hoàn tất. Phía mặt tiền nhà thờ, trên cao, có đặt tượng Chúa Giêsu Là Vua. Tượng nầy có phần đầu và tay rời được đặt mua riêng, còn thân thì do các thợ địa phương xây lấy bằng xi-măng cốt sắt rất chắc chắn. Tháp chuông được Cha Hồng họa và xây lên như một lô-cốt. Bàn làm lễ được xây bằng đá mài màu trắng ngà, xung quanh là cung thánh rất đẹp. Bên trên bàn thờ có treo một bức tranh Núi Sọ rất lớn, giáp mặt tường. Cha Thãnh đã tặng bức tranh nầy cho một nhà thờ ở Bến Tre. Nơi sân trước nhà thờ thời trước có dựng tượng 4 Thánh Sử, nhưng đã được dọn đi. Hiện 4 tượng nầy vẫn còn cất giữ trong phòng thánh.
Ngô-Thanh-Đế
Mùng 3 Tết Kỷ Sửu (Wed. Jan 28-2009) USA
_________________________________

(đang cần thêm chi tiếc … quí vị nào biết về nhà thờ hiện tại,  hoặc có ảnh của những nhà thờ thời trước, xin gửi về: dngo439@yahoo.com, cảm tạ)
Ghi chú:
Nhà thờ cha Điền, nhà thờ cha Lân, .v..v.. là để chỉ nhà thờ được cất lên thời cha Điền, thời cha Lân làm chánh sở. Xin đừng hiểu lầm là nhà để thờ cha Điền hay cha Lân.
Bổ túc:
1- Chi tiết về nhà thờ hiện tại: April 5-2009 (Nguyễn T Tiên)

HỌ ĐẠO BÃI XAN - NGUỒN KHÁC

Ngô Thanh Đế

1- Địa Danh
Thật sự thì không ai nhớ được là danh xưng Bãi-Xan đã có từ bao giờ và do ai đặt ra. Hỏi thăm những người có tuổi trong làng cũng chẳng ai trả lời rõ ràng được. Theo hồ sơ của Cha Antôn Án ghi lại còn lưu giữ trong nhà thờ họ đạo thì thời Cha Điền trông coi họ đạo (1825-1840),  đã có tên Bãi-Xan rồi.
Theo tự điển Việt ngữ thì BÃI có nghĩa là bãi cát, bãi sông, bãi biển, là vùng đất giồng, đất bãi. Nghĩa nầy đúng vì theo địa hình thì Bãi-Xan đúng là vùng cạnh bờ sông Cổ Chiên. Bề rộng con sông nầy ngang vùng Bãi-Xan là khoảng 3 cây số. Đứng bên nầy nhìn chỉ thấy mờ mờ bờ sông bên kia. Đó không phải là một con sông nhỏ. Mé Bãi-Xan có nhiều bãi cát hiện lên mỗi khi nước ròng. Nhứt là bến sông ngay phía Vàm Giồng (đầu Rạch Giồng Tượng), toàn là cát chứ không phải bùn sình như nhiều bãi sông khác. Hơn nữa, đất Bãi-Xan cũng là đất giồng được bồi lên qua nhiều thời đại mà thành.
Giồng là một dãy đất phẳng, có cát rất nhuyễn. Dưới lớp cát là lớp đất-thịt, dẽ cứng. Phải đào sâu mới có nước và thường là nước-mội, rất trong vì đã qua lớp cát lọc kỹ rồi. Giếng đất giồng phải đào thoai-thoải đễ tránh cát lở-chùi (1). Bãi-Xan có những con giồng như Giồng Lớn, Giồng Nhánh và Giồng Giữa (xem bản đồ). Đất trong những giồng nầy toàn là cát mịn. Mùa hè nóng phỏng chân người đi bộ. Tôi còn nhớ, mỗi khi phải đi vô Giồng Lớn, ngang khu đất thánh, là phải nín thở chạy một hơi cho qua khỏi khu nầy vì đất thánh không có cây để che bóng mát. Tới cuối đất thánh mới dám nghỉ hơi vì tại đây có 2 cây còng già nhiều bóng mát. Hai cây còng nầy cũng là nơi mà hồi còn đi học, chúng tôi hay trèo lên tìm bắt những con bù rầy (bọ rầy), những con bửa củi.. Đất giồng nhiều cát nên rất hợp cho việc trồng khoai và mì. Khoai giồng khác với khoai đất thịt, củ nhỏ và da có màu đỏ hồng. Gia đình Ông Tư Sinh, (còn gọi là "ông chúa mẹ", vì ông luôn mở đầu câu chuyện bằng câu “Chúa Mẹ ơi”) là bỏ đỡ đầu xức tráng của tôi, sinh sống ở cuối Giồng Lớn, có trồng nhiều khoai giồng nên thỉnh thoảng chúng tôi có những rổ khoai ngon từ gia đình nầy. Sau, Ông dời gia đình về gần khu của Út Lô hiện giờ và ông chết tại đây vì bị “trúng gió” sau khi đi ruộng về.
Vậy chữ BÃI có nghĩa là bãi cát, bãi sông.
Còn chữ XAN thì sao?
Theo tự điển thì XAN không có nghĩa gì hết. Nhưng nếu thêm chữ “G” thành XANG thì có nghĩa là xôn-xang (2), xao-động như trong câu: gió thổi làm xôn-xang mặt nước. Chữ “xang” có liên hệ tới sóng nước, sông hồ. Đất Bãi-Xan từ Vàm Láng Thé lên đến Đức Mỹ đều là bờ sông, luôn luôn có sóng vỗ, nhìn xa xa thấy mặt nước luôn nhấp nhô.
Chữ Bãi-Xan cũng đã gây nhiều rắt rối cho những người có học trong làng như: thầy Hai Nhàn, thầy Ba Mãng, Út Thiều. Theo như lời kể của Ông Trần Công Bỉnh (3) thì có một lần, những người nầy đã đến xin cha Sở Bellocq được sửa chữ XAN thành XANG, có “G”, cho đúng nghĩa và cũng để phân biệt với Bãi Xàu (Sóc Trăng) hầu tránh sự nhầm lẫn cho bưu điện khi chuyển thư. Tranh luận một lúc, cha Bellocq nổi cáu, người la: “Nếu mấy ông sợ nhà giây thép (Bưu Điện) lộn thì đề là Bãi-Xan – TRÀ VINH. Bãi-Xan không thay đổi được vì là do tổ tiên các ông đặt ra chứ không phải tôi”.
Tên gọi Bãi-Xan có từ bao giờ và do ai đặt thì không ai biết vì không tìm được tài liệu nào ghi lại. Tuy nhiên, đất Bãi-Xan được gia đình ông Mậu đến khai phá vào những năm cuối thế kỷ 18 (khoảng năm 1780) thì có lẽ chữ Bãi-Xan là do ông Mậu đặt ra (?). Với ý nghĩa là “một vùng đất có những bãi cát, bãi sông với mặt nước sóng gợn nhấp nhô”. Nhưng người xưa không biết được xôn-xang là phải có “g” nên viết đại thành XAN, không “g” là vậy (??).
* Theo tôi, những người có tuổi trong làng thời bấy giờ (thập niên 1960) giải nghĩa chữ Xan như trên là không đúng. Theo Hán ngữ thì âm "bai" có nghĩa là bãi cát, bờ sông. Âm "xan" có nghĩ là phố quận, khu dân cư, thôn ấp, xóm nhà. Tổ tiên chúng ta là những người thông thạo chữ Nho, khi đến đây khai hoang lập nghiệp, thì đặt tên vùng đất mới nầy là Bãi-Xan là dựa theo phát âm chữ Nho "bai xan" nghĩa là "xóm nhà (thôn ấp) bên bờ sông". Xin đọc bài: "Bàn Về Một Cái Tên". (9)
Bãi-Xan thật là một xứ đạo có tiếng trên đất liền cũng như trên mặt sông Cổ Chiên. Trong thời bắt đạo của các vua Minh Mạng, Thiệu Tri, Tự Đức, Bãi-Xan đã từng là nơi ẩn trú của các linh mục thừa sai ngoại quốc cũng như các cha Annam. Cha Thánh Philipphê Minh cũng đã ẩn náo và giúp việc ở Bãi-Xan gần 3 năm (1850-1852) trước khi người bị bắt ở Mặc Bắc và bị xử trảm ở Đình Khao, Vĩnh Long vào năm 1853. Cố Chính Hòa (Cha Borelle), người được Đức Cha Mỹ (Mgr Colombert) giao cho coi các địa phận Đàng Trong cũng đã sống một thời gian ở Bãi-Xan và chết chôn tại đây. Trên mặt sông thì khoảng ngang Bãi-Xan có ba lượn sóng đặc biệt, gọi là song thần. Bất cứ tàu ghe nào cũng vậy, khi vừa qua cửa Thom là phải đổi tài công để qua sông cái Bãi-Xan. Phải hết sức cẩn thận như qua biển cả vậy.
 
Giồng Tượng
Bãi-Xan còn được gọi là Giồng Tượng. Tại sao vậy?
Vài trăm năm trước, đất Bãi-Xan là vùng đất hoang vu. Gần sông thì rừng rậm dầy đặt. Xa vô trong là khu rừng chồi, đầy lau sậy, bần, tràm. Có rất nhiều thú rừng sống ở đây như: voi, cọp, beo, heo rừng, nai, mễnh, v.v.. Có những bầy voi đông đảo từ khu rừng chồi phía tây đi lần ra sông Cái để uống nước rồi về nằm nghỉ ở khu phía sau nhà Bà Hảng, bây giờ là trường Mẫu Giáo, gọi là khu Bàu Tượng. Voi có thói quen đi theo một con đường nhất định nên lâu ngày đường voi đi thành con đường mòn và rồi dần dần thành một con rạch nhỏ. Sau người ta gọi con rạch này là Rạch Giồng Tượng. Rạch Giồng Tượng hiện tại dài khoảng 2 cây số, bắt đầu từ bờ sông Cái, gọi là Vàm Giồng, chạy vô cạnh sau nhà ông Út Hạnh, rồi ngang sau khu “mã vôi”, vòng qua sau chợ Bãi-Xan rồi kết cùng ở bên nầy đường cạnh hông nhà cha sở.
Một điểm đặc biệt của con rạch Giồng Tượng là khi nước ròng thì chảy lên, theo hướng Tây-Đông, và khi nước lớn thì chảy xuống. Trái ngược với định luật tự nhiên là nước ròng chảy xuống và nước lớn chảy lên. (xem họa đồ)
Vì con rạch Giồng Tuợng nầy mà Bãi-Xan đôi khi còn được gọi Giồng Tượng là vậy.

2- Nguồn Gốc Bãi-Xan
Nói đến Bãi-Xan (4), ta nghĩ ngay đến một xóm đạo nhỏ nằm dọc theo bờ phía tây sông Cổ Chiên thuộc làng Đại Phước. Bắt đầu từ Vàm Láng Thé chạy dọc bờ sông lên đến làng Mỹ Hiệp (bây giờ là làng Đức Mỹ), khoảng 10 cây số. Bề ngang khoảng 4 cây số, từ bờ sông chạy vô hết con giồng nhỏ gọi là Giòng Tượng. Một con đường nhỏ chạy từ vàm Láng Thé đến đầu Vàm Giồng, từ đây, con đường trở nên rộng rải hơn, chạy ngay đến trước nhà thờ họ đạo thì chia làm ba, một dẩn vô Giồng Lớn, một dẩn vô Giồng Nhánh và một dẩn vô Giồng Giữa. Đường chính là con đường đi từ trước nhà thờ lên đến cua 11 thuộc quốc lộ 60 (đưòng nầy thưòng được gọi là bờ "lộ sau", vì đã có 1 con đường khác gọi là bờ "lộ trước", gần mé sông, cũng chạy từ Đức Mỹ xuống tới bến Vàm Giồng. Con đường nầy đã bị sạt lở không còn sử dụng được). Từ đây, một con đường nhỏ chạy thẳng ra mé sông Cái chia ranh giữa hai làng: Đại Phước và Đức Mỹ
Bãi-Xan là nơi có nhiều sóng gió, nhất là vào mùa gió chướng, nước từ phía đầu cù lao Bàng chảy qua cuồn cuộn và gió mạnh đánh nước vào bờ sông làm vùng đất nầy ngày càng lở thêm do sóng lớn. Nhất là vào những tháng gần Tết Ta (Tết Nguyên Đán), các ghe buôn chở hàng qua đoạn sông nầy đều phải rất cẩn thận, nếu sơ ý có thể bị sóng đánh chìm. Vào năm 1903, chiếc Pluvier, tàu hàng của Pháp bị chìm ngang Vàm Láng Thé, gây thiệt hại nhân mạng khá nhiều.
Hiện tại, họ Bãi-Xan bao gồm một số họ nhánh: họ Đức Mỹ, họ Cá Hô và họ Nhị Long. Tổng cộng khoảng 7.000 bổn đạo, do 3 linh mục điều hành. (Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, giáo phận Vĩnh Long, cũng là người Bãi-Xan).
 
Ông Cả Mậu:
Theo tài liệu tìm được trong tập hồ sơ viết tay của Cha Antôn Án (còn lưu trữ tại nhà thờ Bãi-Xan) thì người đầu tiên có công gầy dựng đất Bãi-Xan là Ông Cả Mậu (5), vào đầu thời vua Gia Long (1802-1819). Ông là người gốc Khánh Hoà. Gia đình ông theo đạo Công Giáo lại giàu có nên hay bị những người ngoài đạo oán thù vì lúc bây giờ là thời cấm đạo.
Có một ông cai tổng tên là Gồng, vì oán ghét Ông Mậu nên định bắt hết cha con Ông đem nộp cho quan. Nghe tin, Ông vội vàng giữa đêm khuya mang ít đồ đạt xuống chiếc ghe bầu cùng vợ con đi trốn. Trên ghe có tất cả 26 người, gồm 2 vợ chồng ông, 4 con trai, 4 con dâu, 1 con gái, 1 con rể, cùng 14 đứa cháu. Trên đường lánh nạn về miền Nam, Ông chỉ nguyện xin được gặp một khu rừng nào đó để Ông cùng gia đình có thể định cư yên ổn làm ăn.
Lúc đậu ghe gần Vàm Nước Trong, có một chiếc ghe nhỏ, vì sóng to nên xin đậu lại gần ghe Ông Mậu để tránh sóng, trên ghe có một bà già và đôi vợ chồng trẻ. Nghe bà già than thở: “Hồi qua sông, nhờ ơn Chúa không thì ghe chìm rồi”. Biết gặp người đồng đạo, Ông Cả Mậu liền làm quen rồi mời qua ghe uống nước trà. Trong lúc bàn chuyện, Ông hỏi thăm có chỗ nào tương đối yên ổn để gia đình Ông có thể khai phá làm ăn. Ông cũng cho bà biết tất cả những người trên ghe đều là con cháu Ông và cũng là người Công Giáo. Đáp lại tấm thịnh tình của Ông Cả, bà già khuyến khích Ông nên đến đầu môt con rạch nhỏ kêu là rạch Giồng Tượng mà khai phá. Tại đây có voi, cọp ở nhiều lắm nhưng được yên. Riêng gia đình bà đang ở làng Đức Mỹ cùng với ba gia đình Công Giáo khác. Bà cũng cho biết thêm là bà cùng những gia đình kia luôn bị những người bên lương (ngoại đạo) hiếp bức, hăm he đủ điều.
Hôm sau, Ông Cả theo ghe của bà già đến thả neo trên sông Cái ngang rạch Giồng Tượng. Ông cùng các con trai, con rễ mượn ghe nhỏ của bà già, mang theo giáo mát để phòng khi gặp thú dữ và cũng có mang theo hỏa hổ để chống voi, cọp vì chúng rất sợ thứ nầy. Sau khi quan sát địa thế, Ông thấy được nên bắt đầu ruồng rạch giồng để mang ghe bầu vô đậu giữa rạch vì không dám đậu gần bờ.
Từ đó, Ông bắt đầu khai phá khu rừng cạnh mé sông vài ba dậm đất. Ông đốn cây, đào mương, làm nhà và khai khẩn ruộng vườn.
Để đối phó với cọp, Ông dùng dao mát liết vô miễng ghè, cọp nghe tiếng, hoảng sợ tránh xa. Ông cho ruồng cây cối mà không cho đốt. Thỉnh thoảng Ông cũng thấy một ít voi lảng vảng gần khu gia đình Ông đang khai phá, ông liền bảo con cái ngưng việc đốn cây, vô nhà và cho lịnh đốt đuốc sậy châm vô đám cây đã đốn. Cây khô nhằm mùa nắng ráo cháy rất nhanh. Bầy voi trở nên vớn vát sợ hãi và bỏ chạy hết. Từ đó về sau, voi không dám bén mảng tới gần khu ông khai khẩn nữa.
Ông trồng thứ gì cũng tốt. Lại thêm đủ thứ các thú rừng như kỳ đà, chồn, cheo, heo rừng, nai, khỉ, hưu, còn cá, chim thì nhiều vô kể. Ông ruồng rẩy, cấy lúa cũng trúng mùa nên gia đình Ông càng ngày càng thêm sung túc.
Qua năm sau, bà già lúc trước đã dẩn Ông về đây lại cùng với những gia đình Công Giáo ở Đức Mỹ dọn về lập nghiệp tại Bãi-Xan, nâng tổng số lên được 7 gia đình. Ít năm sau, vợ chồng Ông Cả Mậu cùng một con trai chết. Còn lại 3 người con trai và 1 người con gái. Gia đình Ông Cả Mậu được coi là cư dân đầu tiên trên đất Bãi-Xan.
 
Ông Bốn:
Vào khoảng năm 1780, lúc quân Tây Sơn nổi lên gây loạn lạc thì có một số bổn đạo từ miền Trung thuộc đất Bình Định và Bình Thuận vì muốn lánh nạn bắt đạo nên trốn vào sinh sống ở miền Nam. Nhất là ở miệt Cái Bông (Gành Mù-U). Trong số nầy có Ông Bốn và gia đình, sau khi tạm cư ở Cái Bông ít lâu, thì dọn tới ở tại Bãi-Xan. Ông ở đây một thời gian rồi vì có sự xích mích với người chị nên Ông và gia đình mới dọn về Sóc Rùm, nay gọi là Giồng Rùm, lập nghiệp. Ông Bốn và gia đình đã khai khẩn nên cánh đồng dưới (Ấp Hạ) của Bãi-Xan bây giờ vì vậy nên vùng ruộng nầy  khi xưa còn được gọi là Đồng Ông Bốn.

Một thời gian sau, có một số người bà con của Ông Bốn đang ở Cái Bông cũng bắt đầu kéo vào ở đất Bãi-Xan. Trong số những người đó có Ông Đẩu và Ông Ký. Riêng ông Đẩu có mang theo người cha là Ông Nguyễn Thanh Siêu. Ông Siêu rất được nhiều người mến chuộng vì ông làm nghề lương y đã từng giúp việc cho quan Thượng Bộ tại Ba Giồng lại tinh thông chữ Hán nên những người con của ông ai cũng là người hay chữ hết. Ông Đẩu biết việc lập họ lại là người có thế lực vì là anh vợ của quan huyện Vũng Liêm nên ông mới hợp với những người trong gia đình Ông cả Mậu để hoàn tất việc lập nên họ đạo Bãi-Xan.
Vậy, Ông cả Mậu là người khai sáng đất Bãi-Xan, nhưng Ông Đẩu mặc dù đến sau nhưng là người có công rất nhiều trong việc lập nên họ đạo. Riêng Ông Siêu, khi về già, Ông theo con gái về ở làng Nước Trong (trên đường qua Thom đi Mỏ Cày Bến Tre), và chết chôn tại đây. Sau được Cha Nghi cải táng, lấy cốt đem về Bãi-Xan chôn rồi xây nên "mã vôi"(8) đến nay vẫn còn.
Bà Đài sống độc thân. Đến khi bà qua đời, các anh em mới dâng phần đất của bà cho nhà thờ để xây nên thánh đường và đất thánh bây giờ.
Sau đây là giấy dâng đất của Bà Đài tìm được trong hồ sơ lưu trữ trong văn phòng họ đạo:

Tờ đầu ghi rằng
:
"Chúng tôi ký tên sau đây bằng lòng dâng cúng cho Thánh Ðường một miếng đất 72 tầm và một miếng nữa 40 tầm, là phần gia tài của thị Ðài là gái ở vậy (độc thân) và chết không có cháu con, miễn xin cầu nguyện cho 10 linh hồn thì đủ".
Ký tên: Trùm Tường, Danh, Luận, thị Mỹ, thị Nhi.
Chứng Làng:
Xã đương niên: Huyên
Xã cựu: Tự

 

Tờ thứ hai ghi rằng
"Chúng tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Ðường: một miếng Giồng 50 tầm (chỗ nhà thờ bây giờ) và một miếng Giồng nữa 4 công (chỗ đất thánh bây giờ) cũng của thị Ðài nói tên trong tờ trước. Xin cha coi sóc họ mỗi năm làm hai lễ Misa trong 10 năm thì đủ số".
Ký tên: Trùm Tường, Danh, Luận, thị Mỹ, thị Nhi.
Chứng Làng:
Xã đương niên: Huyên
Xã cựu: Tự
(Ðề ngày mồng 7 tháng 2 Annam, năm 1832 Minh Mạng Thập tam niên)

Tờ thứ ba ghi rằng:
"Chúng tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Ðường 10 mẫu đất ruộng của Kim-Loan là Bà chúng tôi đã chết, đặng lấy huê lợi làm việc phước đức".
Ký tên: Toán, Thi, Niên, Hiệp, Danh, Cơ
Chứng Làng:
Xã đương niên: Huyên
Xã cựu: Tự
(Ðề ngày 13 tháng 10 Annam, năm 1832 Minh Mạng Thập tam niên)
Ông Bường:
Ông Lại Đồng Bường là người Cái Bông đến Bãi-Xan sau ông Đẩu. Gia đình ông Bường có tất cả 8 anh em: Bường, Tự, Mây, Oai, Nhu, Minh, Mẫn, Năng. Ông Đẩu phân chia cho chi nầy ở phần đất cận mé sông Cái, gần rạch Giồng Tượng. Khu đất nầy không được yên ổn cho lắm vì gần rạch, hay bị cướp phá. Tuy nhiên, các anh em Ông Bường, nhờ đông người, họ cũng bắt đầu khai khẩn ruộng đất làm ăn được.

Ông Lê Ngọc Lành:
Phần rẩy phía trên đất Bãi-Xan có gia đình Ông Lê Ngọc Lành, là cựu quan ở Huế, bị giặc Tây Sơn quấy phá nên vô tránh nạn ở đất Cù Lao Tây. Ít lâu sau khi vua Gia Long thắng trận thì Ông cùng gia đình dọn về ở đất Bãi-Xan mà lập nghiệp. Gia đình ông Lê Ngọc Lành gồm có: ông Lịch, bà Lảm, ông Tây, ông Xang, ông Tấn, ông Xê, ông Đặng. Dòng họ Lê phải được xem là dòng họ đông nhất ở đất Bãi-Xan.

Ông Trần Văn Khả:
Người Bãi-Xan cũng thường hay nghe nói câu: “Giồng Nhánh là gánh Họ Trần”. Đúng vậy, họ Trần phải được coi là một họ lớn, bắt nguồn từ gia đình Ông Khả, đến từ Cái Bông. Gia đình nầy cũng từ miền Trung vô định cư ở Cái Bông trong thời bắt đạo. Sau vì trốn ngụy Khôi nên chạy về Cầu Ngang lánh nạn.

(Lê văn Khôi là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt là người đã xé sớ bắt đạo của vua Minh Mạng. Sau khi chết, bị vua Minh Mạng trả thù bằng cách đánh lên mã 100 roi, cho voi đạp lên mã rồi truyền lấy lòi tói xiềng chung quanh mã lại. Lê văn Khôi uất ức vì thấy cha nuôi mình bị hạ nhục như vậy nên khởi quân chống lại Minh Mạng, nên được gọi là Ngụy Khôi. Dùng lá cờ màu đen nên cũng được gọi là Quân Cờ Đen. Lê Văn Khôi có liên hệ khá mật thiết với Cố Du (RP Marchand) nên khi cha Du bị bắt năm 1835, thì bị xử lăng trì vì bị nghi là có giúp Ngụy Khôi nổi lên chống triều đình.)
Khi ông Khả ở Cầu Ngang thì Giặc Đàng Tân (những người chống Lê Văn Khôi, được Pháp giúp) đi tàu từ Mỹ Tho xuống Trà Vinh lùng bắt Giặc Đàng Cựu (những người theo Khôi). Ông Khả là người ủng hộ giặc Đàng Cựu nên khi Ngụy Khôi thua thì Ông Khả và 4 người con là: Trần Văn Trạch, Trần văn Tám, Trần thị Mười và Trần thị Mọi, thấy ở Cầu Ngang không yên nên chạy trốn ngược lên Giồng Tượng và chiếm đất Giồng Nhánh, lúc nầy còn hoang vu, mà khai khẩn làm ăn. Ông khai khẩn vùng Giồng Nhánh, đất Giây và Giồng Hổi. 

Rạch Giồng Tượng
Con rạch đã có tự lâu đời nhưng chỉ là một con rạch nhỏ do những đàn voi từ trong rừng bần theo một con đường mòn ra sông để tắm và uống nước lâu ngày mà thành.  Con rạch nầy ban đầu dài chỉ khoảng 1 cây số rưởi, sau vì muốn đưa nước vô tận khu dân cư trong các giồng và cũng để ghe thuyền có thể vô tới khu nhà thờ nên Cha Điền, là linh mục đang coi sóc họ Bãi-Xan lúc bấy giờ (1830), cho bổn đạo đào thêm 400 thước nữa biến con rạch Giòng Tượng thành một con kinh chạy từ bờ sông Cái (sông Cổ Chiên) đến trước cửa nhà thờ bây giờ. Xin nhắc lại, cái đặc biệt của con kinh nầy là: Nước ròng thì chảy lên và nước lớn thì chảy xuống. Vì tên rạch là Giòng Tượng nên đôi khi Bãi-Xan cũng được gọi là xứ Giồng Tượng.

Làng Đại Phước:
Thuở ban đầu, về hành chánh thì đất Bãi-Xan là thuộc làng Đức Mỹ, chạy dọc theo sông Cái (sông Cổ Chiên) từ Vàm Láng Thé dến Vàm Vũng Liêm.
1800 – Làng Bình Hoà. Đến năm 1800, làng Đức Mỹ mới phân đôi, phía bắc là Đức Mỹ, phía nam là làng Bình Hoà. Nhưng vì việc lặp làng mới nầy không vững vàng lắm nên chẳng bao lâu sau thì mất hiệu làng, trở lại 1 làng Đức Mỹ như trước.
1815 – Làng Phước Toàn. Khi Ông Đẩu lặp nên họ Bãi-Xan xong (1815) thì được phép phân làng Đức Mỹ ra làm 2 một lần nữa gồm Đức Mỹ và Phước Toàn.
1840 – Làng Phước Hãi. Đến năm 1840, đầu đời vua Thiệu Trị, thì tên làng được đổi là Phước Hãi vì kỵ húy (trùng tên với hoàng tộc). Lúc đó, nhà vua sinh được 3 ông hoàng trong cùng 1 ngày đó là: Hoàng Toàn, Hoàng Phúc và Hoàng Nguyên. Làng Phước Hãi được vua ban sắc thần và lập đình để thờ thần làng. Nhưng tất cả dân trong xứ đều là công giáo nên đình làng bị bỏ phế, chẳng bao lâu sau thì cái đình hư mất. Còn sắc thần được cất giữ tại nhà câu Tứ, chẳng may bi hoả hoạn cháy rụi.
1849 – Làng Phước Thới. Đến năm 1849, làng được đổi tên là Phước Thới, gồm Phuớc Hãi và Long Thới nhập lại.
1918 – Làng Phước Hãi (Village de Phuoc Hai, Canton de Binh Phuoc)
1922 – Làng Phước Thới (Village de Phuoc Thoi, Canton de Binh Phuoc, Province de Tra Vinh)
1931 – Làng Đại Phước, Tổng Bình Phước
1944 – Làng Đại Phước, Tổng Bình Khánh
1950 – Làng Đại Phước, ấp Phước Hãi, Tổng Bình Phước, Hạt Trà Vinh
1954 – Xã Đại Phước, Quận Càng Long, Tỉnh Vĩnh Bình (VNCH - Việt Nam Cộng Hoà). Năm 1958, xã trưởng là ông Lưu Văn Nhạn. Trụ sở xã đặt tại nhà ông 2 Nhạn, cạnh khu chợ Bãi-Xan thời xưa, đối diện nhà sàn Bà Hãng.
1975 – Xã Đại Phước, Huyện Càng Long, Tỉnh Trà Vinh (CHXHVN - Cộng Hoà Xã Hội Việt Nam). Trụ sở xã đặt tại Ba Trường.

3- Kết
Theo tài liệu đã nêu ra ở trên thì người dân Bãi-Xan có nguồn gốc từ miền Trung (Bình Định, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngải) vì tránh loạn lạc thời Tây Sơn và cơn bắt đạo thời vua Gia Long, Minh Mạng mà vào ẩn trốn ở miền Nam và lập thành xứ Bãi-Xan. Người đầu tiên khai sáng nên đất Bãi-Xan (1750) [1780?] (5) là Ông Mậu và người đã chính thức lập nên họ đạo Bãi-Xan (1815) là ông Đẩu.
Những dòng họ đáng kể ở Bãi-Xan gồm có:
- Họ Lê: Giòng họ của Ông Lê Ngọc Lành. Ấp Thượng.
- Họ Trần: Giòng họ của Ông Trần Văn Khả. Giồng Nhánh
- Họ Nguyễn: Giòng họ của Ông Cả Đẩu. Ấp Hạ.
- Họ Ngô: (Ấp Trung) là giòng họ của Ông Ngô Công Điện có nguồn gốc từ Quảng Nam. Con cháu có những người giàu có như: Ông Ngô Công Triệu (Chủ Triệu), Ông Ngô Công Thiều (Chủ Thiều), Bà Ngô Thị Tranh (Bà Thung Thuần), Ông Ngô Công Đức (Dân Biểu Quốc Hội VNCH).
Trong hơn 30 năm cấm đạo, nhờ sự hướng dẫn của các cha như cha Điền, cha Lân, cha Nhơn, ... và những vị thân hào như ông cả Đẩu, ông Mậu, ... và vì dân trong làng đều là người theo đạo Công Giáo nên Họ Bãi-Xan vẫn luôn vững bền và phát triển. Vào năm 1800 thì bổn đạo họ Bãi-Xan có gần 800 người (7) và hiện tại gần 7.000 bổn đạo bao gồm họ chánh là Bãi-Xan và 3 họ nhánh là Đức Mỹ, Cái Hô và Nhị Long.
Chicago, USATháng Giêng, Năm Ất Dậu 2005
- Ngô Thanh Đế -

Tài Liệu:
(1) - Giồng và Cái, tác giả: Nam San.
(2) - Lời cắt nghĩa của Cha Bellocq, Cha sở Bãi-Xan thời đó.
(3) - Vùng Dậy, số 2, phát hành năm 1972.
(4) - Nam Kỳ Địa Phận Chí.
      - Hồ Sơ lưu trử trong văn phòng giáo xứ Bãi-Xan
      - Vùng Dậy, số 1, phát hành năm 1971.
(5) - Hồ sơ viết tay ghi năm 1750 có lẽ không đúng vì theo Học giả Huỳnh V. Lang, lúc bấy giờ vùng đất nầy vẫn còn thuộc nước Chân Lạp. Sau khi Quốc vương Chân Lạp là Nặc Nguyên mất (1759), Nặc Tôn nhờ sự giúp đở cũa Chúa Nguyễn, lên được ngôi vua mới dâng vùng đất Tầm-phong-long (Châu Đốc, Long Xuyên, Sa-Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh) cho Chúa Nguyễn để trả ơn. (ghi chú: có thể vì là hồ sơ viết tay, lâu ngày chử viết trở nên lu mờ gây ngộ nhận)
(6) - Vùng Dậy, số 2, phát hành năm 1972.
(7) - L'Annam Et Le Cambodge, par C. E. Bouilleaux, 1874, Victor Palmé. France.
(8) - Mã Vôi: thay vì dùng xi-măng, thợ đã dùng "ô-dước" trộn với cát đá mà xây lên nên rất cứng và bền. Nếu đi từ nhà thờ ra Vàm Giồng, khoảng nửa đường, phía tay trái là mã vôi.
(9) - Bổ túc ngày 17 tháng 7 năm 2009

(6)
 
:
- Ông Đẩu có 5 người con: Ông Lượng, Bà Đài, Ông Tường, bà Mỹ, Bà Nữ.
- Ông Lượng có con là Bà Sử, Bà Lài.
Bà Sử có con là ông Trùm Thân.
- Ông Trùm Thân có con là linh Mục Nguyễn Ca Các, linh mục đầu tiên của họ Bãi-Xan.