Trang

Thứ Hai, 25 tháng 7, 2011

HỌ ĐẠO BÃI XAN - NGUỒN KHÁC

Ngô Thanh Đế

1- Địa Danh
Thật sự thì không ai nhớ được là danh xưng Bãi-Xan đã có từ bao giờ và do ai đặt ra. Hỏi thăm những người có tuổi trong làng cũng chẳng ai trả lời rõ ràng được. Theo hồ sơ của Cha Antôn Án ghi lại còn lưu giữ trong nhà thờ họ đạo thì thời Cha Điền trông coi họ đạo (1825-1840),  đã có tên Bãi-Xan rồi.
Theo tự điển Việt ngữ thì BÃI có nghĩa là bãi cát, bãi sông, bãi biển, là vùng đất giồng, đất bãi. Nghĩa nầy đúng vì theo địa hình thì Bãi-Xan đúng là vùng cạnh bờ sông Cổ Chiên. Bề rộng con sông nầy ngang vùng Bãi-Xan là khoảng 3 cây số. Đứng bên nầy nhìn chỉ thấy mờ mờ bờ sông bên kia. Đó không phải là một con sông nhỏ. Mé Bãi-Xan có nhiều bãi cát hiện lên mỗi khi nước ròng. Nhứt là bến sông ngay phía Vàm Giồng (đầu Rạch Giồng Tượng), toàn là cát chứ không phải bùn sình như nhiều bãi sông khác. Hơn nữa, đất Bãi-Xan cũng là đất giồng được bồi lên qua nhiều thời đại mà thành.
Giồng là một dãy đất phẳng, có cát rất nhuyễn. Dưới lớp cát là lớp đất-thịt, dẽ cứng. Phải đào sâu mới có nước và thường là nước-mội, rất trong vì đã qua lớp cát lọc kỹ rồi. Giếng đất giồng phải đào thoai-thoải đễ tránh cát lở-chùi (1). Bãi-Xan có những con giồng như Giồng Lớn, Giồng Nhánh và Giồng Giữa (xem bản đồ). Đất trong những giồng nầy toàn là cát mịn. Mùa hè nóng phỏng chân người đi bộ. Tôi còn nhớ, mỗi khi phải đi vô Giồng Lớn, ngang khu đất thánh, là phải nín thở chạy một hơi cho qua khỏi khu nầy vì đất thánh không có cây để che bóng mát. Tới cuối đất thánh mới dám nghỉ hơi vì tại đây có 2 cây còng già nhiều bóng mát. Hai cây còng nầy cũng là nơi mà hồi còn đi học, chúng tôi hay trèo lên tìm bắt những con bù rầy (bọ rầy), những con bửa củi.. Đất giồng nhiều cát nên rất hợp cho việc trồng khoai và mì. Khoai giồng khác với khoai đất thịt, củ nhỏ và da có màu đỏ hồng. Gia đình Ông Tư Sinh, (còn gọi là "ông chúa mẹ", vì ông luôn mở đầu câu chuyện bằng câu “Chúa Mẹ ơi”) là bỏ đỡ đầu xức tráng của tôi, sinh sống ở cuối Giồng Lớn, có trồng nhiều khoai giồng nên thỉnh thoảng chúng tôi có những rổ khoai ngon từ gia đình nầy. Sau, Ông dời gia đình về gần khu của Út Lô hiện giờ và ông chết tại đây vì bị “trúng gió” sau khi đi ruộng về.
Vậy chữ BÃI có nghĩa là bãi cát, bãi sông.
Còn chữ XAN thì sao?
Theo tự điển thì XAN không có nghĩa gì hết. Nhưng nếu thêm chữ “G” thành XANG thì có nghĩa là xôn-xang (2), xao-động như trong câu: gió thổi làm xôn-xang mặt nước. Chữ “xang” có liên hệ tới sóng nước, sông hồ. Đất Bãi-Xan từ Vàm Láng Thé lên đến Đức Mỹ đều là bờ sông, luôn luôn có sóng vỗ, nhìn xa xa thấy mặt nước luôn nhấp nhô.
Chữ Bãi-Xan cũng đã gây nhiều rắt rối cho những người có học trong làng như: thầy Hai Nhàn, thầy Ba Mãng, Út Thiều. Theo như lời kể của Ông Trần Công Bỉnh (3) thì có một lần, những người nầy đã đến xin cha Sở Bellocq được sửa chữ XAN thành XANG, có “G”, cho đúng nghĩa và cũng để phân biệt với Bãi Xàu (Sóc Trăng) hầu tránh sự nhầm lẫn cho bưu điện khi chuyển thư. Tranh luận một lúc, cha Bellocq nổi cáu, người la: “Nếu mấy ông sợ nhà giây thép (Bưu Điện) lộn thì đề là Bãi-Xan – TRÀ VINH. Bãi-Xan không thay đổi được vì là do tổ tiên các ông đặt ra chứ không phải tôi”.
Tên gọi Bãi-Xan có từ bao giờ và do ai đặt thì không ai biết vì không tìm được tài liệu nào ghi lại. Tuy nhiên, đất Bãi-Xan được gia đình ông Mậu đến khai phá vào những năm cuối thế kỷ 18 (khoảng năm 1780) thì có lẽ chữ Bãi-Xan là do ông Mậu đặt ra (?). Với ý nghĩa là “một vùng đất có những bãi cát, bãi sông với mặt nước sóng gợn nhấp nhô”. Nhưng người xưa không biết được xôn-xang là phải có “g” nên viết đại thành XAN, không “g” là vậy (??).
* Theo tôi, những người có tuổi trong làng thời bấy giờ (thập niên 1960) giải nghĩa chữ Xan như trên là không đúng. Theo Hán ngữ thì âm "bai" có nghĩa là bãi cát, bờ sông. Âm "xan" có nghĩ là phố quận, khu dân cư, thôn ấp, xóm nhà. Tổ tiên chúng ta là những người thông thạo chữ Nho, khi đến đây khai hoang lập nghiệp, thì đặt tên vùng đất mới nầy là Bãi-Xan là dựa theo phát âm chữ Nho "bai xan" nghĩa là "xóm nhà (thôn ấp) bên bờ sông". Xin đọc bài: "Bàn Về Một Cái Tên". (9)
Bãi-Xan thật là một xứ đạo có tiếng trên đất liền cũng như trên mặt sông Cổ Chiên. Trong thời bắt đạo của các vua Minh Mạng, Thiệu Tri, Tự Đức, Bãi-Xan đã từng là nơi ẩn trú của các linh mục thừa sai ngoại quốc cũng như các cha Annam. Cha Thánh Philipphê Minh cũng đã ẩn náo và giúp việc ở Bãi-Xan gần 3 năm (1850-1852) trước khi người bị bắt ở Mặc Bắc và bị xử trảm ở Đình Khao, Vĩnh Long vào năm 1853. Cố Chính Hòa (Cha Borelle), người được Đức Cha Mỹ (Mgr Colombert) giao cho coi các địa phận Đàng Trong cũng đã sống một thời gian ở Bãi-Xan và chết chôn tại đây. Trên mặt sông thì khoảng ngang Bãi-Xan có ba lượn sóng đặc biệt, gọi là song thần. Bất cứ tàu ghe nào cũng vậy, khi vừa qua cửa Thom là phải đổi tài công để qua sông cái Bãi-Xan. Phải hết sức cẩn thận như qua biển cả vậy.
 
Giồng Tượng
Bãi-Xan còn được gọi là Giồng Tượng. Tại sao vậy?
Vài trăm năm trước, đất Bãi-Xan là vùng đất hoang vu. Gần sông thì rừng rậm dầy đặt. Xa vô trong là khu rừng chồi, đầy lau sậy, bần, tràm. Có rất nhiều thú rừng sống ở đây như: voi, cọp, beo, heo rừng, nai, mễnh, v.v.. Có những bầy voi đông đảo từ khu rừng chồi phía tây đi lần ra sông Cái để uống nước rồi về nằm nghỉ ở khu phía sau nhà Bà Hảng, bây giờ là trường Mẫu Giáo, gọi là khu Bàu Tượng. Voi có thói quen đi theo một con đường nhất định nên lâu ngày đường voi đi thành con đường mòn và rồi dần dần thành một con rạch nhỏ. Sau người ta gọi con rạch này là Rạch Giồng Tượng. Rạch Giồng Tượng hiện tại dài khoảng 2 cây số, bắt đầu từ bờ sông Cái, gọi là Vàm Giồng, chạy vô cạnh sau nhà ông Út Hạnh, rồi ngang sau khu “mã vôi”, vòng qua sau chợ Bãi-Xan rồi kết cùng ở bên nầy đường cạnh hông nhà cha sở.
Một điểm đặc biệt của con rạch Giồng Tượng là khi nước ròng thì chảy lên, theo hướng Tây-Đông, và khi nước lớn thì chảy xuống. Trái ngược với định luật tự nhiên là nước ròng chảy xuống và nước lớn chảy lên. (xem họa đồ)
Vì con rạch Giồng Tuợng nầy mà Bãi-Xan đôi khi còn được gọi Giồng Tượng là vậy.

2- Nguồn Gốc Bãi-Xan
Nói đến Bãi-Xan (4), ta nghĩ ngay đến một xóm đạo nhỏ nằm dọc theo bờ phía tây sông Cổ Chiên thuộc làng Đại Phước. Bắt đầu từ Vàm Láng Thé chạy dọc bờ sông lên đến làng Mỹ Hiệp (bây giờ là làng Đức Mỹ), khoảng 10 cây số. Bề ngang khoảng 4 cây số, từ bờ sông chạy vô hết con giồng nhỏ gọi là Giòng Tượng. Một con đường nhỏ chạy từ vàm Láng Thé đến đầu Vàm Giồng, từ đây, con đường trở nên rộng rải hơn, chạy ngay đến trước nhà thờ họ đạo thì chia làm ba, một dẩn vô Giồng Lớn, một dẩn vô Giồng Nhánh và một dẩn vô Giồng Giữa. Đường chính là con đường đi từ trước nhà thờ lên đến cua 11 thuộc quốc lộ 60 (đưòng nầy thưòng được gọi là bờ "lộ sau", vì đã có 1 con đường khác gọi là bờ "lộ trước", gần mé sông, cũng chạy từ Đức Mỹ xuống tới bến Vàm Giồng. Con đường nầy đã bị sạt lở không còn sử dụng được). Từ đây, một con đường nhỏ chạy thẳng ra mé sông Cái chia ranh giữa hai làng: Đại Phước và Đức Mỹ
Bãi-Xan là nơi có nhiều sóng gió, nhất là vào mùa gió chướng, nước từ phía đầu cù lao Bàng chảy qua cuồn cuộn và gió mạnh đánh nước vào bờ sông làm vùng đất nầy ngày càng lở thêm do sóng lớn. Nhất là vào những tháng gần Tết Ta (Tết Nguyên Đán), các ghe buôn chở hàng qua đoạn sông nầy đều phải rất cẩn thận, nếu sơ ý có thể bị sóng đánh chìm. Vào năm 1903, chiếc Pluvier, tàu hàng của Pháp bị chìm ngang Vàm Láng Thé, gây thiệt hại nhân mạng khá nhiều.
Hiện tại, họ Bãi-Xan bao gồm một số họ nhánh: họ Đức Mỹ, họ Cá Hô và họ Nhị Long. Tổng cộng khoảng 7.000 bổn đạo, do 3 linh mục điều hành. (Đức Cha Tôma Nguyễn Văn Tân, giáo phận Vĩnh Long, cũng là người Bãi-Xan).
 
Ông Cả Mậu:
Theo tài liệu tìm được trong tập hồ sơ viết tay của Cha Antôn Án (còn lưu trữ tại nhà thờ Bãi-Xan) thì người đầu tiên có công gầy dựng đất Bãi-Xan là Ông Cả Mậu (5), vào đầu thời vua Gia Long (1802-1819). Ông là người gốc Khánh Hoà. Gia đình ông theo đạo Công Giáo lại giàu có nên hay bị những người ngoài đạo oán thù vì lúc bây giờ là thời cấm đạo.
Có một ông cai tổng tên là Gồng, vì oán ghét Ông Mậu nên định bắt hết cha con Ông đem nộp cho quan. Nghe tin, Ông vội vàng giữa đêm khuya mang ít đồ đạt xuống chiếc ghe bầu cùng vợ con đi trốn. Trên ghe có tất cả 26 người, gồm 2 vợ chồng ông, 4 con trai, 4 con dâu, 1 con gái, 1 con rể, cùng 14 đứa cháu. Trên đường lánh nạn về miền Nam, Ông chỉ nguyện xin được gặp một khu rừng nào đó để Ông cùng gia đình có thể định cư yên ổn làm ăn.
Lúc đậu ghe gần Vàm Nước Trong, có một chiếc ghe nhỏ, vì sóng to nên xin đậu lại gần ghe Ông Mậu để tránh sóng, trên ghe có một bà già và đôi vợ chồng trẻ. Nghe bà già than thở: “Hồi qua sông, nhờ ơn Chúa không thì ghe chìm rồi”. Biết gặp người đồng đạo, Ông Cả Mậu liền làm quen rồi mời qua ghe uống nước trà. Trong lúc bàn chuyện, Ông hỏi thăm có chỗ nào tương đối yên ổn để gia đình Ông có thể khai phá làm ăn. Ông cũng cho bà biết tất cả những người trên ghe đều là con cháu Ông và cũng là người Công Giáo. Đáp lại tấm thịnh tình của Ông Cả, bà già khuyến khích Ông nên đến đầu môt con rạch nhỏ kêu là rạch Giồng Tượng mà khai phá. Tại đây có voi, cọp ở nhiều lắm nhưng được yên. Riêng gia đình bà đang ở làng Đức Mỹ cùng với ba gia đình Công Giáo khác. Bà cũng cho biết thêm là bà cùng những gia đình kia luôn bị những người bên lương (ngoại đạo) hiếp bức, hăm he đủ điều.
Hôm sau, Ông Cả theo ghe của bà già đến thả neo trên sông Cái ngang rạch Giồng Tượng. Ông cùng các con trai, con rễ mượn ghe nhỏ của bà già, mang theo giáo mát để phòng khi gặp thú dữ và cũng có mang theo hỏa hổ để chống voi, cọp vì chúng rất sợ thứ nầy. Sau khi quan sát địa thế, Ông thấy được nên bắt đầu ruồng rạch giồng để mang ghe bầu vô đậu giữa rạch vì không dám đậu gần bờ.
Từ đó, Ông bắt đầu khai phá khu rừng cạnh mé sông vài ba dậm đất. Ông đốn cây, đào mương, làm nhà và khai khẩn ruộng vườn.
Để đối phó với cọp, Ông dùng dao mát liết vô miễng ghè, cọp nghe tiếng, hoảng sợ tránh xa. Ông cho ruồng cây cối mà không cho đốt. Thỉnh thoảng Ông cũng thấy một ít voi lảng vảng gần khu gia đình Ông đang khai phá, ông liền bảo con cái ngưng việc đốn cây, vô nhà và cho lịnh đốt đuốc sậy châm vô đám cây đã đốn. Cây khô nhằm mùa nắng ráo cháy rất nhanh. Bầy voi trở nên vớn vát sợ hãi và bỏ chạy hết. Từ đó về sau, voi không dám bén mảng tới gần khu ông khai khẩn nữa.
Ông trồng thứ gì cũng tốt. Lại thêm đủ thứ các thú rừng như kỳ đà, chồn, cheo, heo rừng, nai, khỉ, hưu, còn cá, chim thì nhiều vô kể. Ông ruồng rẩy, cấy lúa cũng trúng mùa nên gia đình Ông càng ngày càng thêm sung túc.
Qua năm sau, bà già lúc trước đã dẩn Ông về đây lại cùng với những gia đình Công Giáo ở Đức Mỹ dọn về lập nghiệp tại Bãi-Xan, nâng tổng số lên được 7 gia đình. Ít năm sau, vợ chồng Ông Cả Mậu cùng một con trai chết. Còn lại 3 người con trai và 1 người con gái. Gia đình Ông Cả Mậu được coi là cư dân đầu tiên trên đất Bãi-Xan.
 
Ông Bốn:
Vào khoảng năm 1780, lúc quân Tây Sơn nổi lên gây loạn lạc thì có một số bổn đạo từ miền Trung thuộc đất Bình Định và Bình Thuận vì muốn lánh nạn bắt đạo nên trốn vào sinh sống ở miền Nam. Nhất là ở miệt Cái Bông (Gành Mù-U). Trong số nầy có Ông Bốn và gia đình, sau khi tạm cư ở Cái Bông ít lâu, thì dọn tới ở tại Bãi-Xan. Ông ở đây một thời gian rồi vì có sự xích mích với người chị nên Ông và gia đình mới dọn về Sóc Rùm, nay gọi là Giồng Rùm, lập nghiệp. Ông Bốn và gia đình đã khai khẩn nên cánh đồng dưới (Ấp Hạ) của Bãi-Xan bây giờ vì vậy nên vùng ruộng nầy  khi xưa còn được gọi là Đồng Ông Bốn.

Một thời gian sau, có một số người bà con của Ông Bốn đang ở Cái Bông cũng bắt đầu kéo vào ở đất Bãi-Xan. Trong số những người đó có Ông Đẩu và Ông Ký. Riêng ông Đẩu có mang theo người cha là Ông Nguyễn Thanh Siêu. Ông Siêu rất được nhiều người mến chuộng vì ông làm nghề lương y đã từng giúp việc cho quan Thượng Bộ tại Ba Giồng lại tinh thông chữ Hán nên những người con của ông ai cũng là người hay chữ hết. Ông Đẩu biết việc lập họ lại là người có thế lực vì là anh vợ của quan huyện Vũng Liêm nên ông mới hợp với những người trong gia đình Ông cả Mậu để hoàn tất việc lập nên họ đạo Bãi-Xan.
Vậy, Ông cả Mậu là người khai sáng đất Bãi-Xan, nhưng Ông Đẩu mặc dù đến sau nhưng là người có công rất nhiều trong việc lập nên họ đạo. Riêng Ông Siêu, khi về già, Ông theo con gái về ở làng Nước Trong (trên đường qua Thom đi Mỏ Cày Bến Tre), và chết chôn tại đây. Sau được Cha Nghi cải táng, lấy cốt đem về Bãi-Xan chôn rồi xây nên "mã vôi"(8) đến nay vẫn còn.
Bà Đài sống độc thân. Đến khi bà qua đời, các anh em mới dâng phần đất của bà cho nhà thờ để xây nên thánh đường và đất thánh bây giờ.
Sau đây là giấy dâng đất của Bà Đài tìm được trong hồ sơ lưu trữ trong văn phòng họ đạo:

Tờ đầu ghi rằng
:
"Chúng tôi ký tên sau đây bằng lòng dâng cúng cho Thánh Ðường một miếng đất 72 tầm và một miếng nữa 40 tầm, là phần gia tài của thị Ðài là gái ở vậy (độc thân) và chết không có cháu con, miễn xin cầu nguyện cho 10 linh hồn thì đủ".
Ký tên: Trùm Tường, Danh, Luận, thị Mỹ, thị Nhi.
Chứng Làng:
Xã đương niên: Huyên
Xã cựu: Tự

 

Tờ thứ hai ghi rằng
"Chúng tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Ðường: một miếng Giồng 50 tầm (chỗ nhà thờ bây giờ) và một miếng Giồng nữa 4 công (chỗ đất thánh bây giờ) cũng của thị Ðài nói tên trong tờ trước. Xin cha coi sóc họ mỗi năm làm hai lễ Misa trong 10 năm thì đủ số".
Ký tên: Trùm Tường, Danh, Luận, thị Mỹ, thị Nhi.
Chứng Làng:
Xã đương niên: Huyên
Xã cựu: Tự
(Ðề ngày mồng 7 tháng 2 Annam, năm 1832 Minh Mạng Thập tam niên)

Tờ thứ ba ghi rằng:
"Chúng tôi đồng ký tên dưng cho Thánh Ðường 10 mẫu đất ruộng của Kim-Loan là Bà chúng tôi đã chết, đặng lấy huê lợi làm việc phước đức".
Ký tên: Toán, Thi, Niên, Hiệp, Danh, Cơ
Chứng Làng:
Xã đương niên: Huyên
Xã cựu: Tự
(Ðề ngày 13 tháng 10 Annam, năm 1832 Minh Mạng Thập tam niên)
Ông Bường:
Ông Lại Đồng Bường là người Cái Bông đến Bãi-Xan sau ông Đẩu. Gia đình ông Bường có tất cả 8 anh em: Bường, Tự, Mây, Oai, Nhu, Minh, Mẫn, Năng. Ông Đẩu phân chia cho chi nầy ở phần đất cận mé sông Cái, gần rạch Giồng Tượng. Khu đất nầy không được yên ổn cho lắm vì gần rạch, hay bị cướp phá. Tuy nhiên, các anh em Ông Bường, nhờ đông người, họ cũng bắt đầu khai khẩn ruộng đất làm ăn được.

Ông Lê Ngọc Lành:
Phần rẩy phía trên đất Bãi-Xan có gia đình Ông Lê Ngọc Lành, là cựu quan ở Huế, bị giặc Tây Sơn quấy phá nên vô tránh nạn ở đất Cù Lao Tây. Ít lâu sau khi vua Gia Long thắng trận thì Ông cùng gia đình dọn về ở đất Bãi-Xan mà lập nghiệp. Gia đình ông Lê Ngọc Lành gồm có: ông Lịch, bà Lảm, ông Tây, ông Xang, ông Tấn, ông Xê, ông Đặng. Dòng họ Lê phải được xem là dòng họ đông nhất ở đất Bãi-Xan.

Ông Trần Văn Khả:
Người Bãi-Xan cũng thường hay nghe nói câu: “Giồng Nhánh là gánh Họ Trần”. Đúng vậy, họ Trần phải được coi là một họ lớn, bắt nguồn từ gia đình Ông Khả, đến từ Cái Bông. Gia đình nầy cũng từ miền Trung vô định cư ở Cái Bông trong thời bắt đạo. Sau vì trốn ngụy Khôi nên chạy về Cầu Ngang lánh nạn.

(Lê văn Khôi là con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt. Lê Văn Duyệt là người đã xé sớ bắt đạo của vua Minh Mạng. Sau khi chết, bị vua Minh Mạng trả thù bằng cách đánh lên mã 100 roi, cho voi đạp lên mã rồi truyền lấy lòi tói xiềng chung quanh mã lại. Lê văn Khôi uất ức vì thấy cha nuôi mình bị hạ nhục như vậy nên khởi quân chống lại Minh Mạng, nên được gọi là Ngụy Khôi. Dùng lá cờ màu đen nên cũng được gọi là Quân Cờ Đen. Lê Văn Khôi có liên hệ khá mật thiết với Cố Du (RP Marchand) nên khi cha Du bị bắt năm 1835, thì bị xử lăng trì vì bị nghi là có giúp Ngụy Khôi nổi lên chống triều đình.)
Khi ông Khả ở Cầu Ngang thì Giặc Đàng Tân (những người chống Lê Văn Khôi, được Pháp giúp) đi tàu từ Mỹ Tho xuống Trà Vinh lùng bắt Giặc Đàng Cựu (những người theo Khôi). Ông Khả là người ủng hộ giặc Đàng Cựu nên khi Ngụy Khôi thua thì Ông Khả và 4 người con là: Trần Văn Trạch, Trần văn Tám, Trần thị Mười và Trần thị Mọi, thấy ở Cầu Ngang không yên nên chạy trốn ngược lên Giồng Tượng và chiếm đất Giồng Nhánh, lúc nầy còn hoang vu, mà khai khẩn làm ăn. Ông khai khẩn vùng Giồng Nhánh, đất Giây và Giồng Hổi. 

Rạch Giồng Tượng
Con rạch đã có tự lâu đời nhưng chỉ là một con rạch nhỏ do những đàn voi từ trong rừng bần theo một con đường mòn ra sông để tắm và uống nước lâu ngày mà thành.  Con rạch nầy ban đầu dài chỉ khoảng 1 cây số rưởi, sau vì muốn đưa nước vô tận khu dân cư trong các giồng và cũng để ghe thuyền có thể vô tới khu nhà thờ nên Cha Điền, là linh mục đang coi sóc họ Bãi-Xan lúc bấy giờ (1830), cho bổn đạo đào thêm 400 thước nữa biến con rạch Giòng Tượng thành một con kinh chạy từ bờ sông Cái (sông Cổ Chiên) đến trước cửa nhà thờ bây giờ. Xin nhắc lại, cái đặc biệt của con kinh nầy là: Nước ròng thì chảy lên và nước lớn thì chảy xuống. Vì tên rạch là Giòng Tượng nên đôi khi Bãi-Xan cũng được gọi là xứ Giồng Tượng.

Làng Đại Phước:
Thuở ban đầu, về hành chánh thì đất Bãi-Xan là thuộc làng Đức Mỹ, chạy dọc theo sông Cái (sông Cổ Chiên) từ Vàm Láng Thé dến Vàm Vũng Liêm.
1800 – Làng Bình Hoà. Đến năm 1800, làng Đức Mỹ mới phân đôi, phía bắc là Đức Mỹ, phía nam là làng Bình Hoà. Nhưng vì việc lặp làng mới nầy không vững vàng lắm nên chẳng bao lâu sau thì mất hiệu làng, trở lại 1 làng Đức Mỹ như trước.
1815 – Làng Phước Toàn. Khi Ông Đẩu lặp nên họ Bãi-Xan xong (1815) thì được phép phân làng Đức Mỹ ra làm 2 một lần nữa gồm Đức Mỹ và Phước Toàn.
1840 – Làng Phước Hãi. Đến năm 1840, đầu đời vua Thiệu Trị, thì tên làng được đổi là Phước Hãi vì kỵ húy (trùng tên với hoàng tộc). Lúc đó, nhà vua sinh được 3 ông hoàng trong cùng 1 ngày đó là: Hoàng Toàn, Hoàng Phúc và Hoàng Nguyên. Làng Phước Hãi được vua ban sắc thần và lập đình để thờ thần làng. Nhưng tất cả dân trong xứ đều là công giáo nên đình làng bị bỏ phế, chẳng bao lâu sau thì cái đình hư mất. Còn sắc thần được cất giữ tại nhà câu Tứ, chẳng may bi hoả hoạn cháy rụi.
1849 – Làng Phước Thới. Đến năm 1849, làng được đổi tên là Phước Thới, gồm Phuớc Hãi và Long Thới nhập lại.
1918 – Làng Phước Hãi (Village de Phuoc Hai, Canton de Binh Phuoc)
1922 – Làng Phước Thới (Village de Phuoc Thoi, Canton de Binh Phuoc, Province de Tra Vinh)
1931 – Làng Đại Phước, Tổng Bình Phước
1944 – Làng Đại Phước, Tổng Bình Khánh
1950 – Làng Đại Phước, ấp Phước Hãi, Tổng Bình Phước, Hạt Trà Vinh
1954 – Xã Đại Phước, Quận Càng Long, Tỉnh Vĩnh Bình (VNCH - Việt Nam Cộng Hoà). Năm 1958, xã trưởng là ông Lưu Văn Nhạn. Trụ sở xã đặt tại nhà ông 2 Nhạn, cạnh khu chợ Bãi-Xan thời xưa, đối diện nhà sàn Bà Hãng.
1975 – Xã Đại Phước, Huyện Càng Long, Tỉnh Trà Vinh (CHXHVN - Cộng Hoà Xã Hội Việt Nam). Trụ sở xã đặt tại Ba Trường.

3- Kết
Theo tài liệu đã nêu ra ở trên thì người dân Bãi-Xan có nguồn gốc từ miền Trung (Bình Định, Bình Thuận, Quảng Nam, Quảng Ngải) vì tránh loạn lạc thời Tây Sơn và cơn bắt đạo thời vua Gia Long, Minh Mạng mà vào ẩn trốn ở miền Nam và lập thành xứ Bãi-Xan. Người đầu tiên khai sáng nên đất Bãi-Xan (1750) [1780?] (5) là Ông Mậu và người đã chính thức lập nên họ đạo Bãi-Xan (1815) là ông Đẩu.
Những dòng họ đáng kể ở Bãi-Xan gồm có:
- Họ Lê: Giòng họ của Ông Lê Ngọc Lành. Ấp Thượng.
- Họ Trần: Giòng họ của Ông Trần Văn Khả. Giồng Nhánh
- Họ Nguyễn: Giòng họ của Ông Cả Đẩu. Ấp Hạ.
- Họ Ngô: (Ấp Trung) là giòng họ của Ông Ngô Công Điện có nguồn gốc từ Quảng Nam. Con cháu có những người giàu có như: Ông Ngô Công Triệu (Chủ Triệu), Ông Ngô Công Thiều (Chủ Thiều), Bà Ngô Thị Tranh (Bà Thung Thuần), Ông Ngô Công Đức (Dân Biểu Quốc Hội VNCH).
Trong hơn 30 năm cấm đạo, nhờ sự hướng dẫn của các cha như cha Điền, cha Lân, cha Nhơn, ... và những vị thân hào như ông cả Đẩu, ông Mậu, ... và vì dân trong làng đều là người theo đạo Công Giáo nên Họ Bãi-Xan vẫn luôn vững bền và phát triển. Vào năm 1800 thì bổn đạo họ Bãi-Xan có gần 800 người (7) và hiện tại gần 7.000 bổn đạo bao gồm họ chánh là Bãi-Xan và 3 họ nhánh là Đức Mỹ, Cái Hô và Nhị Long.
Chicago, USATháng Giêng, Năm Ất Dậu 2005
- Ngô Thanh Đế -

Tài Liệu:
(1) - Giồng và Cái, tác giả: Nam San.
(2) - Lời cắt nghĩa của Cha Bellocq, Cha sở Bãi-Xan thời đó.
(3) - Vùng Dậy, số 2, phát hành năm 1972.
(4) - Nam Kỳ Địa Phận Chí.
      - Hồ Sơ lưu trử trong văn phòng giáo xứ Bãi-Xan
      - Vùng Dậy, số 1, phát hành năm 1971.
(5) - Hồ sơ viết tay ghi năm 1750 có lẽ không đúng vì theo Học giả Huỳnh V. Lang, lúc bấy giờ vùng đất nầy vẫn còn thuộc nước Chân Lạp. Sau khi Quốc vương Chân Lạp là Nặc Nguyên mất (1759), Nặc Tôn nhờ sự giúp đở cũa Chúa Nguyễn, lên được ngôi vua mới dâng vùng đất Tầm-phong-long (Châu Đốc, Long Xuyên, Sa-Đéc, Vĩnh Long và Trà Vinh) cho Chúa Nguyễn để trả ơn. (ghi chú: có thể vì là hồ sơ viết tay, lâu ngày chử viết trở nên lu mờ gây ngộ nhận)
(6) - Vùng Dậy, số 2, phát hành năm 1972.
(7) - L'Annam Et Le Cambodge, par C. E. Bouilleaux, 1874, Victor Palmé. France.
(8) - Mã Vôi: thay vì dùng xi-măng, thợ đã dùng "ô-dước" trộn với cát đá mà xây lên nên rất cứng và bền. Nếu đi từ nhà thờ ra Vàm Giồng, khoảng nửa đường, phía tay trái là mã vôi.
(9) - Bổ túc ngày 17 tháng 7 năm 2009

(6)
 
:
- Ông Đẩu có 5 người con: Ông Lượng, Bà Đài, Ông Tường, bà Mỹ, Bà Nữ.
- Ông Lượng có con là Bà Sử, Bà Lài.
Bà Sử có con là ông Trùm Thân.
- Ông Trùm Thân có con là linh Mục Nguyễn Ca Các, linh mục đầu tiên của họ Bãi-Xan.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét