Nguồn : http://www.baixan.com/
I- Nhà thờ Cha Điền*:
Vào thời bắt đạo mạnh mẽ dưới triều vua Minh Mạng (1820-1848), tại Bãi Xan đã có một nhà thờ Công Giáo do Cha Điền (1825-1840) cất. Cha Điền đến giúp họ Bãi Xan vào năm 1825, nhưng Ngài cho dựng nhà thờ vào năm nào thì không có tài liệu nào ghi lại nhưng có ghi năm bị phá là năm 1833. Nhà thờ nầy có thể được coi là nhà thờ đầu tiên của họ đạo. Nhà thờ được cất trên khu đất “nhà vựa lúa” bây giờ (1972). (Phụ ghi: Nếu đi từ cua Út Lô xuống trước khi tới nhà thờ hiện tại (2008), khi vừa qua cống nhà thờ có con đường nhỏ bên tay phải đi vô giòng là đến khu vựa lúa thời 1972) Nhà thờ nầy cất theo lối cao cẳng mái cong như cái chùa hay nhà của nguời Miên để khó bị lộ. Cha cũng cho đào dài thêm con rạch Giòng Tượng chừng 400 thước cho tới bờ nhà thờ để tiện cho ghe lui tới và cũng để có nước vô thấu đến nhà cha.
Ngày 6 tháng 1 năm 1833 nhà thờ Bãi Xan bị phá sập do lính Huyện Vũng Liêm sai xuống. Sau khi lính phá xong thì bổn đạo mới đem chôn những cây cột xuống cái ao kế bên với hy vọng có dịp đem lên để cất nhà thờ lại. 30 năm sau, khi cơn bắt đạo đã qua, cha Hiển được Bề Trên sai phái đến Bãi Xan thì bổn đạo mang cột lên thấy hư hết nên không dùng được nữa.
II- Nhà thờ Cha Hiển:
Từ sau khi nhà thờ Cha Đìền bị phá sập năm 1833 cho đến nhiều năm sau, họ bãi Xan không có nhà thờ vì nạn bắt đạo trở nên quá gắt gao. Mặc dù vẫn có các cha người bổn xứ hay người Pháp thường xuyên đến giúp nhưng lễ Misa thường được dâng trong nhà thường dân với bổn đạo canh gát bên ngoài.
Thời cha Phanxicô Nhơn đang trong coi họ Bãi Xan (1860) thì cơn bắt đạo trở nên cực mạnh. Nhiều hương chức trong họ bị bắt và cầm tù tại địa phương hay tận Vĩnh Long. Mặc dù cha có tổ chức lính tráng đội quản đầy đủ trong nhà như một quan lớn Pháp vậy nhưng dần dần cũng yếu thế so với đông đảo quân lính của triều đình đang đóng tại Gành Mù-U (Cái Bông), cha đành khuyên bổn đạo lần dọn trốn về Vĩnh Long, núp bóng quan quân Pháp cho qua cơn hoạn nạn. Tại Vĩnh long, bổn đạo Bãi Xan cũng có dựng lên một nhà thờ tạm và có cha Bề Trên An (RP Guillou) thường xuyên làm lễ và ban các phép Bí Tích.
Cách ít lâu, cơn bắt đạo qua đi, bổn đạo Bãi Xan lần lần dọn về quê cũ. Lần hồi, họ cũng cất lại được một nhà thờ nhỏ tại chổ chú Phù ở lúc bây giờ (1972). Sau, cha Hiển mới tổ chức dựng lại một nhà thờ mới, rộng rãi hơn. Nhà thờ nầy ở gần “mả vôi” hiện tại.
III- Nhà thờ Cha Péguet:
Cha Péguet đang làm sở thì họ Bãi Xan có số bổn đạo tăng đến 1.200 người. Nhà thờ thì nhỏ nên cha mới lo việc dựng nhà thờ mới. Cha cho mua cây gổ và gạch ngói từ Thủ Dầu Một, từ Mỹ Tho về và làm lần lần vì không đủ tiền bạc nên phải đến năm 1879 mới hoàn tất một nhà thờ mới rộng rãi, tại Vàm Rạch Giòng Tượng, trên miếng đất do ông Cả Cũ dâng cho nhà thờ. Tổng cộng phí tổn là 3.000 đồng.
IV- Nhà thờ Cha Lân (RP Bourgeois):
Nhà thờ do cha Péguet cất vì quá nhỏ so với số bổn đạo càng ngày càng tăng lại vì nằm cạnh bờ sông Cái thì sớm muộn gì cũng bị sạc lở rớt xuống sông. Hơn nữa, nhà thờ nầy lợp bằng lá, rui mè đã bị hư hết một mái nên cha Lân, đang làm chánh sở, muốn dời đi nơi khác nên họp các thân hào trong họ đạo lại bàn việc. Có người đồng ý có người không. Cuối cùng, cha quyết định dời nhà thờ về lại chổ cũ thời trước cơn bắt đạo, tức là trên vị trí nhà thờ thời cha Điền khi xưa đã bị phá vào năm 1833, là đất do dòng họ ông Cả Tường dâng. Cha Lân ước tính tổn phí khoảng 10.000 đồng. Vì họ đạo không còn tiền mà tốn phí lại khá cao nên Ngài mới xin phép Đức Cha cho bán đất nhà chung lấy tiền. Đức Cha đồng ý nhưng chỉ được bán đất cho bổn đạo trong họ mà thôi. Cuối cùng cha cũng bán được cho những người giàu có trong họ đạo một số đất ở Đồng Dưới trị giá 1.500 đồng và ở Đồng Trên được 1.600 đồng. Để tăng vốn xây nhà thờ, cha cũng cho tăng lúa ruộng lên là 4 giạ (xử dụng 1 công đất ruộng của nhà chung thì phải đóng 4 giạ lúa mỗi năm?)
Cha khởi công làm một nhà thờ tạm tại Giồng Nhỏ, ngay trên miếng đất của ông bà Cha Phalồ Nghi. Nhà thờ tạm gồm có 8 căn, 1 chái ngay núi Calvaire (Núi Sọ) hiện tại, mặt tiền thì quay về hướng núi Đức Mẹ. Cha cho dời đồ đạt các thứ từ nhà thờ cũ về. Nhờ quen thân với các quan ở Vĩnh Long Cha cũng xin được một số gạch từ cái thành cũ ở Mai-Phốp mang về. Đến năm 1893 thì Cha cho khởi công xây nhà thờ mới. Nhờ sự khôn ngoan tính toán của Cha và sự hy sinh của bổn đạo nên chỉ 3 năm sau, vào năm 1896, nhà thờ mới nầy hoàn tất, lấy Bổn Mạng là “Thánh Thất Hội”. Lễ khánh thành có Đức Cha Để (Mgr. Dépierre) đến chủ tế và làm phép nhà thờ. Nhà thờ nầy cất bằng cây thau lau, mối mọt không ăn được nên rất bền. Mái nhà lợp ngói, tường xây xi-măng và cuốn nền theo lối Tàu và cũng do người Tàu (Chệt) chỉ huy. Ba chữ Thánh Thất Hội là do ông Thầy Hào, là cha vợ của Vua Bảo Đại vẽ.
Năm 1899, cha mua 3 cái chuông treo lên tháp nhà thờ làm rở ràng thêm cho họ đạo. Cha cho cất nhà vựa lúa gồm 6 căn tại vòng thành nhà thờ tạm. Cha cũng cho cất Nhà Cha sở. Nhà nầy có 2 tầng, tầng dưới xây bằng gạch, tầng trên làm bằng cây . Bốn cây cột lớn làm bằng cây căm-xe. Nền nhà lầu hiện nay (1972) chính là nền nhà lầu cũ đó. Cha cũng xin được các quan giúp cho “công xâu” đắp bờ từ Sóc Ruộng qua Ba Trường, qua ngã ba Trà Gật, lên Rạch Dừa rồi về tới trước cửa nhà thờ. Tức là đã qua được “bon tiêu” (điểm chính) của cả ba làng.
Nhà Cha Sở (Nhà Lầu) hiện tại là do cha Thiên (1929-1939) xây lại trên nền nhà cha sở cũ thời cha Lân. Tầng trên đúc bằng xi-măng đá sạn nên rất bền. Cha Thiên cũng cho cất thêm nhà bếp, hai đầu có 2 tầng, dùng thân cây sao do cha Ròng (cha phó thời cha Lân làm sở) trồng xung quanh khuông viên nhà thờ.
V- Nhà thờ hiện tại:
Nhà thờ hiện tại của Bãi Xan được xem là nhà thờ lớn nhất trong địa phận. Khởi đầu xây vào cuối thời Cha Raphae Diệp (1963) đến thời Cha Hồng mới hoàn tất. Phía mặt tiền nhà thờ, trên cao, có đặt tượng Chúa Giêsu Là Vua. Tượng nầy có phần đầu và tay rời được đặt mua riêng, còn thân thì do các thợ địa phương xây lấy bằng xi-măng cốt sắt rất chắc chắn. Tháp chuông được Cha Hồng họa và xây lên như một lô-cốt. Bàn làm lễ được xây bằng đá mài màu trắng ngà, xung quanh là cung thánh rất đẹp. Bên trên bàn thờ có treo một bức tranh Núi Sọ rất lớn, giáp mặt tường. Cha Thãnh đã tặng bức tranh nầy cho một nhà thờ ở Bến Tre. Nơi sân trước nhà thờ thời trước có dựng tượng 4 Thánh Sử, nhưng đã được dọn đi. Hiện 4 tượng nầy vẫn còn cất giữ trong phòng thánh.
Ngô-Thanh-Đế
Mùng 3 Tết Kỷ Sửu (Wed. Jan 28-2009) USA
_________________________________
(đang cần thêm chi tiếc … quí vị nào biết về nhà thờ hiện tại, hoặc có ảnh của những nhà thờ thời trước, xin gửi về: dngo439@yahoo.com, cảm tạ)
Ghi chú:
Nhà thờ cha Điền, nhà thờ cha Lân, .v..v.. là để chỉ nhà thờ được cất lên thời cha Điền, thời cha Lân làm chánh sở. Xin đừng hiểu lầm là nhà để thờ cha Điền hay cha Lân.
Bổ túc:
1- Chi tiết về nhà thờ hiện tại: April 5-2009 (Nguyễn T Tiên)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét